Bệnh viện Đại học Y Dược BS CKI. HOÀNG VĂN MINH: GIEO HẠT GIỐNG, NUÔI MẦM XANH *** 1 Mọi người vẫn gọi BS là cha đẻ của Trun...

Bệnh viện Đại học Y Dược - Bài viết

 BS CKI. HOÀNG VĂN MINH: GIEO HẠT GIỐNG, NUÔI MẦM XANH
***
1 Mọi người vẫn gọi BS là cha đẻ của Trung tâm U máu với hàng ngàn ca điều trị miễn phí cho trẻ em duới 12 tuổi. Trung tâm này đã được khai sinh như thế nào, thưa BS? Và làm sao để trung tâm có thể thực hiện được việc điều trị mà không thu đồng nào như vậy?
Chuyện bắt đầu thật tình cờ. Đầu tiên có một cô bác sĩ da liễu gốc Việt Trần Trịnh Thanh Ngà ở Đại học Harvard sau quá trình làm việc cùng tôi về mảng bệnh da trên người bệnh HIV, cô muốn giúp đỡ cho Việt Nam. Qua một tiến sĩ người Mỹ từng phụ trách trung tâm hợp tác về AIDS giữa Việt Nam và đại học Harvard, cô đã mời về Việt Nam một người thầy rất nổi tiếng về laser, là người chế tạo ra máy laser điều trị bệnh da đầu tiên trên thế giới giáo sư Rox Anderson ở Đại học Harvard và một giáo sư rất nổi tiếng về laser giáo sư Stuart Nelson, đại học Irvine California. Hai vị giáo sư này, cùng với bác sĩ Thủy Phùng và bác sĩ Thanh Ngà quyết định mở cho Việt Nam trung tâm dạy và điều trị về laser, chuyên biệt về u máu, cùng với việc tặng cho Việt Nam một máy laser rất đắt tiền. Hai ông cũng đích thân qua Việt Nam đào tạo về laser.

Lúc đầu, trung tâm chỉ điều trị được u máu dạng bớt đỏ. Sau đó, từ nhu cầu của người bệnh, họ quyết định cho thêm máy laser điều trị bớt đen. Sau hơn một năm vận hành, các giáo sư Mỹ nhận xét: Số lượng người bệnh trung tâm đã điều trị hiệu quả, nhiều bằng số lượng người bệnh điều trị laser ở một bang nước Mỹ trong một năm. Hiện Trung tâm đang điều trị các bệnh u máu loại bớt đỏ (u máu, bớt đỏ rượu vang) và các loại bớt sắc tố (như bớt đen bẩm sinh, bớt Ota).

2 Nhiều trẻ đã thoát khỏi mặc cảm, tự ti để bước vào cuộc sống khi được điều trị hiệu quả những bệnh liên quan đến u máu. Đặc biệt là những gia đình nghèo, không có tiền, không có hy vọng được điều trị, nếu không có trung tâm u máu. Nhìn ở góc độ này, việc điều trị đã mang lại ý nghĩa nhân văn gì, thưa BS?
Phương pháp laser điều trị bớt đỏ là rất hữu ích cho trẻ em, do có một số loại bớt đỏ chưa có phương pháp điều trị nào khác ngoài laser. Bên cạnh đó trung tâm còn phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, tiêm thuốc kết hợp với laser để điều trị u máu. Phương pháp điều trị phối hợp này đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ.

Trước khi có phương pháp này thì việc điều trị các dạng bớt bẩm sinh này rất khó khăn, tốn kém và để lại nhiều di chứng nặng nề, do diễn tiến của bệnh hoặc do các tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị như sẹo do dán P32, teo da, biến dạng. Lúc đầu, chúng tôi điều trị miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, nay đã mở rộng điều trị miễn phí cho trẻ dưới 12 tuổi.

3 Thưa BS, hiện nay, trung tâm u máu của ĐHYD được các chuyên gia đánh giá là nơi hoạt động mạnh nhất ngoài Hoa Kỳ. Làm thế nào để gây dựng được thương hiệu và tạo tiếng vang như vậy, trong khi điều kiện vật chất, điều kiện để nghiên cứu khoa học ở đây chẳng thấm vào đâu so với thế giới?
Trong 8 năm qua Trung tâm đã điều trị cho hàng ngàn trẻ có bớt đỏ, bớt sắc tố và đã thực hiện miễn phí cho trẻ dưới 12 tuổi khoảng 4 năm nay. Mỗi bé điều trị khoảng mười mấy lần trong suốt hơn 1 năm. Giáo sư Mihm, sáng lập viên đầu tiên Trung tâm u máu ở Mỹ và một số trung tâm u máu khác trên thế giới, đã đánh giá: Trung tâm u máu Việt Nam là một trung tâm hoạt động mạnh nhất và hiệu quả nhất ngoài nước Mỹ. Sau khi đánh giá hiệu quả điều trị của trung tâm tốt, phía Mỹ đã tài trợ thêm nhiều loại máy laser khác như máy laser điều trị sẹo cho u máu, máy triệt lông,

Mỗi năm họ đều đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật mới và đem những bác sĩ nội trú ở Harvard, Chicago, Canada và các đại học khác qua cùng học kỹ thuật mới và thực hành. Tiếng vang của Trung tâm ngày càng được mở rộng. Gần đây, Pakistan cũng mở một trung tâm u máu giống vậy nên các bác sĩ Pakistan cũng đã qua Việt Nam để học tập kinh nghiệm.

4 Được biết, BS sở hữu rất nhiều công trình nghiên cứu và báo cáo khoa học, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, về những căn bệnh hiếm và lạ liên quan đến da liễu. Một số ca, chính bác sĩ là người đầu tiên trên thế giới phát hiện và chữa trị. Điều này chắc chắn không phải là ngẫu nhiên?
Người ta nói cái khó ló cái khôn. Da liễu là một ngành tương đối khó, chẩn đoán lâm sàng chủ yếu là nhìn. Con mắt nhìn tổn thương ở da giống như là siêu âm 4 chiều, vì mình nhìn trực tiếp sang thương. Làm ngoài da thì con mắt phải tinh, đầu óc phải suy nghĩ, để nhìn ra sang thương căn bản, sau đó mới phân tích sang thương đó như thế nào. Phương pháp tôi học được từ thầy Út là khi mới bắt đầu khám chỉ nhìn, không hỏi gì, mình phân tích sang thương để đưa ra hướng chẩn đoán trong đầu của mình, sau đó mới hỏi lại bệnh để xác định hướng suy nghĩ của mình có đúng không. Nếu chưa thể đưa ra chẩn đoán thì làm tiếp những xét nghiệm cận lâm sàng. Vào thời tôi học, những phương tiện cận lâm sàng chẩn đoán ngoài da hầu như không có, chỉ có cắt da thử giải phẫu bệnh. Mà phương pháp giải phẫu bệnh lúc đó cũng đã lạc hậu. Vấn đề cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán là rất khó khăn, do vậy chủ yếu là mình tự coi sách và chẩn đoán theo ý của mình dựa trên lâm sàng.

Đối với những ca khó, tôi cũng tư duy như vậy để gom lại theo từng nhóm bệnh. Có những ca bệnh hiếm mà Việt Nam chưa có cận lâm sàng, tôi phải kiếm cách gửi đi nước ngoài để kiểm chứng và đồng thời để báo cáo ca hay. Thường các chi phí những nghiên cứu này rất lớn. Khi mình tìm ra vấn đề có khi vô tình đó là ca hay, hiếm có, đôi khi nằm trong vài chục ca phát hiện ra trên thế giới. Thật vui, khi tôi đã có ca bệnh phát hiện ra đầu tiên trên thế giới.

5 BS còn nhớ những ca ấn tượng về những căn bệnh hiếm và lạ mà BS đã từng nghiên cứu và báo cáo khoa học? Trong đó có ca Viện hàn lâm Bệnh ngoài da Hoa Kỳ xác nhận và mời bác sĩ trình bày tại hội nghịkhoa học do viện này tổ chức vào năm 2014?
Tôi nhớ nhất là ca bệnh mà da trên đầu người bệnh biểu hiện ra những nếp nhăn như nếp nhăn trên não, mặt người bệnh thì già hơn tuổi, ngón tay thì dạng dùi trống. Khi xác định ra bệnh này, thế giới cũng chỉ có chừng vài trăm ca. Sau đó, phát hiện thêm người bệnh có dày đầu xương. Bệnh này, chỉ còn vài chục ca trên thế giới. Đồng thời, lúc này tôi phát hiện ra người bệnh thêm u tuyến yên và viêm gan siêu vi B. Ca bệnh phối hợp nhiều thứ như thế này là ca đầu tiên trên thế giới. Ca này được đăng trên tạp chí của Mỹ.

Cũng như ca của cô Phượng (ở Bến Tre) từ trẻ hóa già, là ca thứ 2 trên thế giới. Lúc đầu kết quả xét nghiệm ở Việt Nam không như hướng chẩn đoán, tôi phải gửi mẫu qua Mỹ xét nghiệm. Vì đây là ca bệnh hiếm, nên cô bác sĩ tại Đại học Baylor Texas đã đến Trung tâm giải phẫu bệnh da hàng đầu thế giới là Trung tâm Anderson để xác nhận. Nếu chỉ dựa vào cận lâm sàng mà tìm ra bệnh, thì trong trường hợp này là rất khó. Nhưng do phương pháp chẩn đoán mày mò từ lâm sàng, nên tôi mới tìm ra được chẩn đoán.

6 Bên cạnh công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học, BS còn dành thời gian để chuyển giao công nghệ đến các tỉnh thành trong khắp cảnước. Điều này đã mang lại những kết quả như thế nào, thưa BS?
Hiện nay tôi có tham gia hội chẩn trực tuyến cả nước mỗi tháng một lần về bệnh u máu cũng như các bệnh da khác với sự tham gia của Đại học Y Huế, Đại học Y Cần Thơ, Đại học Y Tây Nguyên và những bệnh viện lớn như Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ,

7 Quay trở lại một chút về việc chọn ngành thời sinh viên. Vì sao BS không chọn những chuyên khoa lớn như nội, ngoại, sản, nhi, mà lại chọn da liễu, trong giai đoạn này đất nước vẫn đang còn bao cấp. Lúc đó, nói đến da liễu chỉ là những bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phong và bệnh da, không có vẻ gì là vinh quang hay lung linh cả. Chưa kể, người bệnh mắc các bệnh lý da hay bệnh lây truyền qua đường tình dục thường lựa chọn phương pháp né tránh, bị bắt ép hay lén lút điều trị. Giai đoạn đó, có khi nào BS thấy nao lòng?
Bệnh da liễu gồm 3 chuyên ngành lớn là bệnh da, bệnh phong và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thời đó, bệnh lây truyền qua đường tình dục không được xã hội chấp nhận, người bệnh đi chữa thường phải lén lút, tâm lý mặc cảm, đôi khi gặp bác sĩ ngoài đường không dám chào. Bệnh Phong thì là bệnh nan y, rất khó chữa. Còn bệnh da thì trong thời bao cấp, cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm, không ai quan tâm đến bệnh ngoài da, nên nhiều người không đi khám chữa bệnh.

Hành nghề da liễu ở thành phố thì cuộc sống còn tương đối, chứ ở nông thôn thì thật sự không ai muốn làm, vì bệnh da liễu được xếp vào bệnh xã hội, đa số khám miễn phí và đối tượng chữa bệnh chủ yếu là những cô gái lầm lỡ hoặc hành nghề mại dâm bị bắt đi chữa bệnh. Do đó, tâm lý ít người muốn đi theo ngành da liễu. Tôi thì quan niệm khác. Học y khoa bên cạnh bản thân tự cố gắng, thì vai trò người thầy rất quan trọng. Đó là thầy Nguyễn Văn Út, nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, đồng thời cũng là thành viên của hội đồng giáo sư các nước nói tiếng Pháp, người đã dìu dắt tôi trưởng thành trong nghề.

8 BS có nhắn nhủ gì với thế hệ đàn em đang tiếp bước?
Là một bác sĩ phải có kiến thức khoa học vững vàng, phải trung thực, phải hết lòng thương yêu người bệnh, không nên tự hào với kiến thức đã có mà phải luôn trau dồi học tập, học nữa, học mãi từ thầy, đồng nghiệp, người bệnh, sách vở, đặc biệt là phải tự học. Bác sĩ Da liễu Việt Nam cần phải tự tin bước ra thế giới.

Trong nhiều năm vừa qua, Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Bệnh viện Da liễu TPHCM và các bệnh viện chuyên khoa khác tại TPHCM đã có nhiều đề tài báo cáo, trong đó có những trường hợp đầu tiên trên thế giới hoặc trình bày một số phương pháp điều trị mới, tại Hội nghị Da liễu hàng năm của Mỹ và một số bác sĩ trẻ đã đạt được giải thưởng dành cho bác sĩ da liễu trẻ tại hội nghị này. Đây là một vinh dự cho Da liễu TPHCM.

9 Địa chỉ, số ĐT Trung tâm U máu khi người bệnh cần liên hệ, thưa BS?
Địa chỉ trung tâm U máu thuộc Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - 221B Hoàng Văn Thụ, phường 8 quận Phú Nhuận.
Số điện thoại: 028 3844 8979.

BS CKI. Hoàng Văn Minh GĐ Trung tâm U máu, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Đại học Y Dược TPHCM

Nguồn: Theo Tạp chí Sức khỏe Khoe24h.vn

#benhviendaihocyduoc #coso3 #khoayhoccotruyen #trungtamumau
***
Để được tư vấn và khám bệnh, vui lòng đăng ký tại Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại Học Y Dược
221B Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Thời gian phát số khám bệnh từ thứ Hai đến thứ Sáu: 06h00 - 16h30, thứ Bảy: 06h00 - 11h30.
Phòng khám ngoài giờ làm việc với khung giờ sau:
Từ thứ 2 đến thứ 6: 16g30 - 19g30
Thứ 7: 13g00 - 19g30
Chủ nhật: 7g00 - 11g30
Xem lịch khám của bác sĩ tại Website:http://lk3.bvdaihoc.com.vn/xembs/LKB2DBacSilist.asp
- Điện thoại: (028) 38420070 / 38444771

CA GHÉP TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN ĐẦU TIêN tại BV Đà Nẵng THÀNH CÔNG với sự hỗ trợ của Viện Huyết học - Tr... HƠN 4.000 TRẺ EM BỊ U MÁU, BỚT BẨM SINH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM U MÁU - BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢ... BS CKI. HOÀNG VĂN MINH: GIEO HẠT GIỐNG, NUÔI MẦM XANH *** 1 Mọi người vẫn gọi BS là cha đẻ của Trun... HƠN 4.000 TRẺ BỊ U MÁU, BỚT BẨM SINH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM U MÁU BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TPH... U MÁU Ở TRẺ NHỎ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? Không nguy hiểm, nhưng cần để ý và trị sớm U máu là một cụm ...