Bệnh viện Hùng Vương VÀNG DA SƠ SINH - BS. Phạm Hoàng Thiên Thanh Vàng da là hiện tượng da trẻ có màu vàng, xảy ra khi ...

Bệnh viện Hùng Vương - Bài viết
Bệnh viện Hùng Vương  VÀNG DA SƠ SINH - BS. Phạm Hoàng Thiên Thanh

Vàng da là hiện tượng da trẻ có màu vàng, xảy ra khi ...

 VÀNG DA SƠ SINH - BS. Phạm Hoàng Thiên Thanh

Vàng da là hiện tượng da trẻ có màu vàng, xảy ra khi bilirubin chất gây vàng da tăng cao trong máu. Bệnh thường gặp ở trẻ non tháng (80) nhưng cũng có thể gặp ở trẻ đủ tháng (60). Hầu hết vàng da là sinh lý do cơ thể trẻ chưa trưởng thành, tuy nhiên một số trường hợp vàng da là bệnh lý, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bại não, chậm phát triển tâm thần-vận động, thậm chí tử vong.

#1. Tại sao trẻ bị vàng da?
Vàng da xảy ra khi nồng độ bilirubin trong máu tăng cao. Thông thường, bilirubin sẽ được tạo ra khi tế bào hồng cầu bị phân hủy, sau đó sẽ được chuyển hóa tại gan và thải ra phân hoặc nước tiểu. Bất cứ bất thường nào trong quá trình chuyển hóa này đều có thể gây vàng da ở trẻ. Một số nguyên nhân thường gặp ở trẻ sơ sinh:
- Vàng da sớm (ngày 1-2): ít gặp và thường nặng, có thể do:
+ Tán huyết do bất đồng nhóm máu mẹ - con
+ Bệnh lý màng hồng cầu, thiếu men G6PD
+ Nhiễm trùng bào thai do vi khuẩn hay siêu vi
- Vàng da từ ngày 3 tới ngày 10: thường gặp, có thể do:
+ Nhiễm trùng
+ Đa hồng cầu, bướu huyết thanh, ổ tụ máu
+ Chậm tiêu phân su, teo tắc ruột
+ Các nguyên nhân của giai đoạn sớm
+ Sinh lý
- Vàng da muộn (thường sau 14 ngày) có thể do:
+ Vàng da do sữa mẹ
+ Bệnh lý gan mật
+ Bệnh chuyển hóa

#2. Làm sao nhận biết trẻ bị vàng da?
Thường trẻ sẽ vàng da từ mặt, đến ngực, bụng, đùi, và nặng nhất là vàng da đến lòng bàn tay bàn chân. Ngoài ra mắt của trẻ cũng có thể chuyển sang màu vàng. Màu da của trẻ cần được quan sát tốt nhất là dưới ánh sáng tự nhiên, vì vậy phụ huynh không nên cho trẻ nằm phòng tối và cần quan sát màu da trẻ mỗi ngày dưới ánh sáng mặt trời để phát hiện và theo dõi diễn tiến của bệnh.
Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được đo độ vàng da bằng đèn đo bilirubin qua da, hoặc lấy máu để làm xét nghiệm chẩn đoán mức độ và tìm nguyên nhân.

#3. Tác hại của vàng da là gì?
Vàng da nặng không được điều trị tích cực bằng chiếu đèn hoặc thay máu có thể dẫn đến hậu quả rất nặng nề:

Biến chứng sớm: rối loạn trương lực cơ, co giật, suy hô hấp, tử vong.
Biến chứng muộn: chậm phát triển tâm thần vận động, bại não

#4. Trẻ vàng da sẽ được điều trị như thế nào?
Điều trị vàng da sẽ được quyết định dựa vào mức độ vàng da (mức bilirubin trong máu), số giờ tuổi và tùy theo nguyên nhân.
Các trường hợp vàng da sinh lý thường sẽ có mức bilirubin trong máu thấp, trẻ khỏe mạnh và vàng da xảy ra sau 24 giờ tuổi. Hầu như những trường hợp này không cần phải điều trị, bệnh sẽ tự hết sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.
Ngược lại, trong những trường hợp bệnh lý, trẻ có thể vàng da từ rất sớm, hoặc mức bilirubin trong máu tăng cao và tăng nhanh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh sẽ nhanh chóng dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Các phương pháp chính điều trị vàng da hiện nay:
- Chiếu đèn ánh sáng xanh: giúp giảm mức độ bilirubin trong máu rất hiệu quả. Trẻ cần được nằm chiếu đèn liên tục, chỉ ẵm ra thay tã hoặc cho bú; khi chiếu đèn trẻ được che mắt và quấn tã tối thiểu.
- Thay máu: khi nồng độ bilirubin quá cao hoặc trẻ có biểu hiện thần kinh.
Điều trị khác: tùy theo nguyên nhân. Ngoài ra, cần cho trẻ bú mẹ 8-10 cữ/ngày vì mất nước, thiếu năng lượng cũng có thể dẫn đến vàng da.

#5. Hiện tại có những phương pháp điều trị nào tại bệnh viện Hùng Vương?
Hiện tại, bệnh viện Hùng Vương có đội ngũ bác sĩ Sơ sinh giàu kinh nghiệm cũng như đầy đủ trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán và điều trị vàng da.
- Trẻ được thăm khám toàn diện và đo mức độ vàng da mỗi ngày bằng máy đo bilirubin qua da. Tùy mức độ nặng của bệnh, trẻ có thể được chiếu đèn 1 mặt tại phòng mẹ, hoặc chiếu đèn 2 mặt tại khoa Sơ sinh.
- Trẻ vàng da nặng được làm các xét nghiệm chuyên sâu tìm nguyên nhân, theo dõi sát, điều trị tích cực như chiếu đèn 2 mặt 24/24, thay máu tại khoa Sơ sinh.

#6. Phơi nắng có hiệu quả không?
Phơi nắng có thể có hiệu quả, nhưng trẻ phải được cởi hoàn toàn quần áo - phơi nắng trong 4-5 tiếng và thời điểm từ 9 giờ tới 16 giờ mới đảm bảo đủ cường độ và thời gian tiếp xúc. Do đó, phương pháp điều trị này không được khuyến cáo vì có thể gây nhiễm lạnh vì gió và bỏng da vì nắng.

#7. Khi nào thì tái khám? Tái khám ở đâu?
+ Trẻ cần được tái khám theo hẹn của bác sĩ.
+ Tái khám mỗi ngày: những trẻ vàng da có yếu tố nguy cơ( non tháng, gia đình có tiền căn bệnh lý tán huyết, đầu có bướu huyết thanh), vàng da lúc xuất viện, vàng da đã được chiếu đèn.
+ Tái khám cách ngày : những trẻ không có yếu tố nguy cơ
Cần tái khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu nặng: bỏ bú, gồng ưỡn, khóc thét, sốt, vàng da tăng dần,
+ Có thể tái khám ở bất cứ bệnh viện nào có khoa Sơ sinh.
+ Tại bệnh viện Hùng Vương: tái khám tại Phòng Khám Nhi tầng trệt, dãy E tòa nhà Bách Hợp. Cổng số 9 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP.HCM.

VÀNG DA SƠ SINH - BS. Phạm Hoàng Thiên Thanh Vàng da là hiện tượng da trẻ có màu vàng, xảy ra khi ... VÀNG DA SƠ SINH BS. Đỗ Hoàng Yến - Khoa Sơ Sinh - BV Hùng Vương. Nguồn đăng tải: http://www.bvhungv... NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VÀNG DA SƠ SINH 1. Vàng da sơ sinh là gì ??? - Vàng da là hiện tượng th... NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VÀNG DA SƠ SINH 1. Vàng da sơ sinh là gì ??? - Vàng da là hiện tượng th... NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VÀNG DA SƠ SINH 1. Vàng da sơ sinh là gì ??? - Vàng da là hiện tượng th... VÀNG DA SƠ SINH Vàng da ở trẻ sơ sinh khiến cho bậc làm cha làm mẹ vô cùng lo lắng. Có những trườ...