Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 THEO DÕI TÁC DỤNG PHỤ VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XẠ TRỊ UNG THƯ THỰC QUẢN ***************************...

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Bài viết

  THEO DÕI TÁC DỤNG PHỤ VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN
XẠ TRỊ UNG THƯ THỰC QUẢN
**********************************************
Ung thư thực quản là loại ung thư khá phổ biến, đứng hàng thứ 7 trong 10 loại ung thư phổi biến và đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư đường tiêu hóa sau ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Bệnh có tiên lượng bệnh xấu và tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh không rõ nguyên nhân nhưng các yếu tố nguy cơ chính của ung thư thực quản là hút thuốc, uống rượu và bệnh Barret thực quản. Các phương pháp điều trị chủ yếu bệnh lý này gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong đó, xạ trị là phương pháp điều trị quan trong có thể được chỉ định ở mọi giai đoạn của bệnh. Xạ trị triệt căn kết hợp hóa trị trong ung thư thựcquản 1/3 trên giai đoạn sớm vàtiến triển tại chỗ, tại vùng (u xâm lấn khỏi thành thực quản và/hoặc có di căn hạch). Hóa xạ trị tiền phẫu trong ung thư thực quản 1/3 giữa dưới làm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật. Xạ trị giảm nhẹ trong các trường hợp ung thư thực quản giai đoạn muộn giúp làm giảm tình trạng nuốt nghẹn cho người bệnh. Do tia xạ không chỉ điều trị khối u mà còn chiếu vào các tế bào lành xung quanh nên gây ra các tác dụng phụ cho bệnh nhân. Để quá trình xạ trị được liên tục và đạt kết quả tốt thì việc theo dõi, xử trí và chăm sóc các tác dụng phụ cho bệnh nhân cần phải được chú trọng.

1. Các tác dụng phụ trong quá trình xạ trị ung thư thực quản:
Các tác dụng phụ của xạ trị ung thư thực quản được chia thành 2 nhóm chính: tác dụng phụ sớm (cấp tính) xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc xạ trị; tác dụng phụ muộn (mạn tính) xảy ra sau khi kết thúc xạ trị 6 tháng và có thể kéo dài nhiều năm.

a) Tác dụng phụ sớm: thường thấy trên các tế bào có tốc độ tăng trưởng nhanh như tế bào da, niêm mạc, tủy xương.
- Có thể gặp ngay khi bắt đầu xạ trị như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn. Tuy nhiên các triệu chứng này thường ở mức độ nhẹ, nếu bệnh nhân được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt thì có thể tự hồi phục và thích nghi dần.
- Viêm da vùng xạ trị thường có ở bệnh nhân ung thư thực quản 1/3 trên: có thể xuất hiện từ tuần thứ 2 trở đi. Mức độ nặng có thể có viêm da khô, hoại tử ướt, loét. Khi bị hoại tử ướt, bệnh nhân phải dừng xạ, vệ sinh vùng tổn thương hàng ngày, cắt lọc hoại tử, bôi kem sát khuẩn.
- Nuốt đau, nuốt khó do viêm niêm mạc thực quản. Có thể khắc phục bằng cách ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, chia nhỏ các bữa ăn, không ăn đồ cay nóng. Có thể tư vấn cho bệnh nhân mở thông hỗng tràng hoặc mỏ thông dạ dày nuôi dưỡng trước xạ trị, nhất là các trường hợp có nuốt nghẹn độ 2 trở lên.
- Viêm phổi do tia xạ: đây là biến chứng nặng nề, có thể gặp nếu sau xạ trị 2-4 tuần, đặc biệt khi hóa xạ trị đồng thời. Khi có viêm phổi, cần dừng xạ trị, điều trị kết hợp corticoid, kháng sinh, long đờm.

b) Tác dụng phụ muộn
- Hẹp thực quản.
- Thủng, rò thực quản.
- Xơ phổi.
- Thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Ung thư thứ phát.

2. Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản trong và sau xạ trị
a)Chuẩn bị bệnh nhân trước điều trị
Giải thích, động viên, làm tốt công tác tư tưởng, chuẩn bị về tâm lý, tránh căng thẳng, sợ hãi để bệnh nhân tin tưởng và yên tâm điều trị. Đặc biệt cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất, tăng cường thể lực, nghỉ ngơi, hạn chế vận động nặng trong quá trình điều trị. Bệnh nhân được đánh giá nguy cơ dinh dưỡng trước điều trị bằng thang điểm SGA hoặc PG-SGA; chỉ định can thiệp dinh dưỡng nếu có suy dinh dưỡng.
b) Trong quá trình điều trị
- Dinh dưỡng: chế độ ăn cần đảm bảo mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sinh tố, bơ, sữa, trứng quấy, sữa chua, chuối , tránh sụt cân, năng lượng hàng ngày cần đảm bảo 25-30Kcal/kg, tăng cường chất đạm; uống nhiều nước; không ăn đồ rắn, cay chua, nóng; không sử dụng chất kích thích: rượu, bia, hút thuốc, cà phê. Bệnh nhân cần được theo dõi cân nặng và đánh giá tình trạng dinh dưỡng hàng tuần.
- Vệ sinh đường hô hấp: bệnh nhân nên giữ gìn vệ đường hô hấp thường xuyên như súc họng bằng nước sát khuẩn, đánh răng 2-3 lần/ngày, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Chăm sóc da:
+ Mặc quần áo mềm, rộng, tránh cọ sát làm tổn thương da.
+ Không để da vùng tia tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng cách hạn chế ra ngoài, đội mũ có vành rộng.
+ Không gãi, kỳ mạnh trên da vùng tia, nên sử dụng xà phòng trung tính hoặc của trẻ em để tắm rửa, vệ sinh .
+ Bôi kem dưỡng ẩm trên da vùng tia2-3 lần/ngày. Trước khi bôi cần vệ sinh sạch sẽ, không bôi trước khi xạ 2 tiếng.

3 Sau xạ trị
Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị là một bước rất quan trọng ảnh hưởng tới kết quả điều trị cũng như quá trình hồi phục sức khỏe. Bệnh nhân được hẹn tái khám sau xạ trị 1 tháng và mỗi 3 tháng sau đó để đánh giá kết quả điều trị và xử trí các tác dụng phụ. Bệnh nhân cầnđược hướng dẫn tiếp tục chăm sóc da vùng xạ, đảm bảo sạch sẽ, tránh cọ sát dễ gây viêm loét sau xạ.
Vấn đề dinh dưỡng cũng cần được chú trong đặc biệt trong thời gian hồi phục. Bệnh nhân thường bị thay đổi khẩu vị, đắng miệng, đau rát khi nuốt dẫn tới biếng ăn, lâu dẫn sẽ bị giảm cân, suy dinh dưỡng. Vì vậy, để giảm các triệu chứng khó chịu trên, bệnh nhân nên súc miệng trước khi ăn, ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày, tăng cường ăn những món khoái khẩu. Nên ăn giàu năng lượng, nhiều đạm, uống nhiều nước, đặc biệt là những thức uống có chứa dưỡng chất, sữa, nước ép hoa quả, đa dạng hóa thức ăn, tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn.
Bệnh viện Trung ương quân đội 108 là một trong những cơ sở hàng đầu của cả nước thực hiện điều trị đa mô thức, chăm sóc toàn diện bệnh nhân ung thư thực quản. Đặc biệt, bệnh viện đã triển khai hóa xạ trị tiền phẫu kết hợp với phẫu thuật nội soi ung thư thực quản mang lại chất lượng điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn về chẩn đoán, điều trị ung thư thực quản xin liên hệ với Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Tầng hầm B2 tòa nhà trung tâm, Bệnh viện Trung ương Quan đội 108, Số 1 trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
*******************************************************
Thực hiện: Nguyễn Xuân Hải Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

THEO DÕI TÁC DỤNG PHỤ VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XẠ TRỊ UNG THƯ THỰC QUẢN ***************************... Có những cuộc đua không bắt đầu từ vạch xuất phát... Bella - sinh non tuần thứ 30 tại AIH, nặng chỉ... HỖ TRỢ BỆNH VIỆN SẢN NHI ĐÀ NẴNG MỔ THÀNH CÔNG CHO TRẺ SƠ SINH BỊ TEO THỰC QUẢN BẨM SINH Nhận được... SẴN SÀNG LÀM MẸ VỚI LỚP HỌC TIỀN SẢN 27/10 TẠI AIH: HƯỚNG DẪN CÁCH CHĂM SÓC BÉ SAU SINH ĐĂNG KÝ ... SIêU ÂM THAI 3 CHIỀU VÀ 4 CHIỀU Bạn thân mến, siêu âm vốn được xem là phương pháp chẩn đoán không...