VIêM MỦ KHỚP GỐI DO TỤ CẦU VÀNG 1. Nhân một ca bệnh đang điều trị Cách đây 1 tuần, Bệnh viện Đại...

 VIêM MỦ KHỚP GỐI DO TỤ CẦU VÀNG

1. Nhân một ca bệnh đang điều trị

Cách đây 1 tuần, Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh tiếp nhận cụ Nguyễn Thị B. 68 tuổi, quê ở xã Nhân thành, huyện Yên Thành nhập viện. Cụ B. bị sưng, nóng, đỏ, đau khớp gối bên trái.

Khai thác tiền sử bệnh, các bác sỹ được biết người bệnh bị thoái hóa khớp gối nhiều năm. Trước đó 3 ngày, Cụ được bác sỹ cùng quê tiêm thuốc vào khớp gối.

Các thầy thuốc tại Đại học Y khoa Vinh đã tiến hành siêu âm, chọc hút khớp gối trái ra khoảng 80 ml dịch mủ đặc. Kết quả cho thấy dịch này có vi khuẩn Tụ cầu vàng.

Sau khi được mổ dẫn lưu khớp gối, dùng kháng sinh đặc hiệu dựa trên kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ, bệnh nhân đã hết sốt, hết sưng đau khớp gối.

2. Nói thêm về căn bệnh viêm mủ khớp

Trong một ổ khớp, 3 thành phần quan trọng là sụn khớp, bao hoạt dịch và dịch khớp. Chúng hoàn toàn cách biệt với hệ tuần hoàn, hầu như không có bạch cầu và kháng thể. Các tổ chức này được nuôi dưỡng qua cơ chế thẩm thấu. Nên khi vi khuẩn xâm nhập được vào ổ khớp mà không được điều trị kịp thời, chúng phá hủy sụn khớp nhanh chóng.

Viêm khớp nhiễm trùng thường do vi khuẩn gây ra. Đó là một dạng viêm khớp cấp tính gây hủy hoại khớp nhanh chóng, thường gặp ở các bệnh nhân:

- Tuổi cao.
- Bệnh khớp có từ trước.
- Phẫu thuật hoặc tiêm thuốc vào khớp trước đó.
- Nhiễm trùng da hoặc mô mềm kế cận.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Suy giảm miễn dịch: gặp ở bệnh nhân tiểu đường, dùng thuốc Corticoid kéo dài, nhiễm HIV, tiêm chích ma túy.

Viêm khớp nhiễm trùng sau tiêm khớp, thường do tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn hoặc trực khuẩn mủ xanh. Điều trị căn bệnh này gồm mổ làm sạch khớp và điều trị kháng sinh đặc hiệu.

Dịch khớp cần được gửi để nhuộm gram, nuôi cấy vi khuẩn, đếm số lượng bạch cầu với phân biệt và đánh giá các tinh thể bằng kính hiển vi phân cực.

3. Về lựa chọn kháng sinh

- Lựa chọn kháng sinh ban đầu dựa theo kinh nghiệm nên bao gồm các mầm bệnh có khả năng xảy ra nhất, như Oxacillin hoặc Vancomycin, nếu nghĩ đến Tụ cầu vàng.

- Trong trường hợp nghi ngờ lâm sàng đối với Psenas aeruginosa, điều trị theo kinh nghiệm ban đầu với hai thuốc kháng sinh là hợp lý. Các phác đồ kết hợp có thể bao gồm cephalosporin, như ceftazidime kết hợp với Levofloxacin hoặc một Aminoglycoside như Gentamicin.

- Khi có kết quả kháng sinh đồ, dùng kháng sinh đặc hiệu đường tiêm trong ít nhất 14 ngày, sau đó là điều trị bằng đường uống thêm 7 đến 14 ngày.

Cần xác định tình trạng có nhiễm khuẩn huyết và dấu hiệu của bệnh viêm nội tâm mạc bán cấp nhiễm khuẩn hay không để kết hợp điều trị cho người bệnh.

Bs Nguyễn Đình Tạo
Link web: https://www.benhviendaihocykhoavinh.vn/viem-mu-khop-goi-do-tu-cau-vang/

VIêM MỦ KHỚP GỐI DO TỤ CẦU VÀNG 1. Nhân một ca bệnh đang điều trị Cách đây 1 tuần, Bệnh viện Đại...