Viện Tâm lý Việt Pháp | Hanoi GIẢI THÍCH VỀ SƠ CẤU NHẬN THỨC (SCHEMA) TRONG TÂM LÝ HỌC Bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ schema v...

Viện Tâm lý Việt Pháp | Hanoi
Viện Tâm lý Việt Pháp | Hanoi GIẢI THÍCH VỀ SƠ CẤU NHẬN THỨC (SCHEMA) TRONG TÂM LÝ HỌC

Bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ schema v...

 GIẢI THÍCH VỀ SƠ CẤU NHẬN THỨC (SCHEMA) TRONG TÂM LÝ HỌC

Bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ schema vì nó liên quan đến lập trình (coding), trong đó đề cập đến cách cơ sở dữ liệu được cấu trúc. Cũng giống với lĩnh vực IT, schema trong tâm lý học cũng đề cập đến cách tổ chức thông tin, và thuật ngữ này tập trung vào cách tâm trí con người thực hiện điều đó.

1 Schema Trong Tâm Lý Học Là Gì?

Sơ cấu nhận thức là một khuôn mẫu nhận thức hoặc khái niệm về việc tổ chức và giải mã thông tin. Sơ cấu nhận thức được sử dụng như lối tắt để diễn giải lượng thông tin khổng lồ có sẵn trong môi trường.

Tuy nhiên, những khuôn mẫu nhận thức này cũng khiến chúng ta loại trừ những thông tin phù hợp để chỉ tập trung vào việc xác định những niềm tin và suy nghĩ đã tồn tại từ trước. Các sơ cấu nhận thức có thể góp phần tạo nên các khuôn mẫu tâm lý và gây khó khăn cho việc lưu giữ thông tin mới - những thông tin không phù hợp với những suy nghĩ đã có của chúng ta về thế giới.

2 Nguồn Gốc Ra Đời Của Thuật Ngữ Schema

Schema lần đầu tiên được sử dụng như một khái niệm bởi nhà tâm lý học người Anh tên là Frederic Bartlett trong lý thuyết học tập của ông. Bartlett cho rằng sự hiểu biết của mỗi người về thế giới được kiến tạo bởi một mạng lưới gồm các cấu trúc về tinh thần.

Nhà lý thuyết Jean Piaget đã giới thiệu thuật ngữ sơ cấu nhận thức và việc sử dụng nó đã được phổ biến thông qua công trình của ông. Theo lý thuyết về phát triển nhận thức của Piaget, trẻ em trải qua một loạt các giai đoạn phát triển trí tuệ. Sơ cấu nhận thức vừa là phạm trù kiến thức vừa là quá trình tiếp thu kiến thức ở trẻ. Piaget tin vào quan điểm cho rằng khi tiếp nhận các thông tin mới và học hỏi những điều mới, mỗi người chúng ta đều đã không ngừng thích nghi với môi trường.

Khi trải nghiệm xảy ra và thông tin mới được trình bày, các sơ cấu nhận thức mới được phát triển và các sơ cấu nhận thức cũ được thay đổi hoặc sửa đổi.

3 Ví Dụ

Một đứa trẻ có thể phát triển một sơ cấu nhận thức về con ngựa. Đứa trẻ biết rằng một con ngựa lớn, có lông, bốn chân và có đuôi. Khi trẻ lần đầu tiên nhìn thấy một con bò, chúng có thể gọi nó là ngựa.

Xét cho cùng, nó phù hợp với sơ cấu nhận thức của đứa trẻ về đặc điểm của một con ngựa; nó là một con vật lớn có lông, bốn chân và có đuôi. Khi đứa trẻ được nhắc nhở rằng đây là một loài động vật khác được gọi là bò, chúng sẽ sửa đổi sơ cấu nhận thức hiện có của mình cho ngựa và tạo một sơ cấu nhận thức mới cho con bò.

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng đứa trẻ này lần đầu tiên nhìn thấy một con ngựa nhỏ và nhận nhầm nó là một con chó.

Cha mẹ của đứa trẻ giải thích rằng con vật đó thực ra là một loại ngựa nhưng nó rất nhỏ, vì vậy lúc này đứa trẻ phải sửa đổi schema về ngựa hiện có của mình. Và bây giờ đứa trẻ có thể nhận ra rằng con ngựa là một động vật rất lớn, nhưng cũng có những con ngựa rất nhỏ. Thông qua những trải nghiệm mới, các schema được sửa đổi và thông tin mới được học.

4 Các Loại Sơ Cấu Nhận Thức

Trong khi Piaget tập trung vào sự phát triển thời thơ ấu, thì sơ cấu nhận thức là thứ mà tất cả mọi người đều có và tiếp tục hình thành cũng như thay đổi trong suốt cuộc đời. Object Schema (tạm dịch là sơ cấu nhận thức về sự vật) chỉ là một loại schema tập trung vào đối tượng vô tri vô giác và cách mà sự vật hoạt động.

Ví dụ, hầu hết mọi người ở các quốc gia công nghiệp hóa đều có sơ cấu nhận thức về ô tô. Sơ cấu nhận thức về vật thể đối với ô tô có thể bao gồm các loại ô tô khác nhau, chẳng hạn như loại sedan, compact hoặc sport.

Có bốn loại sơ cấu nhận thức, và chúng bao gồm:

- Sơ cấu nhận thức về người: Loại này tập trung vào các cá nhân cụ thể. Ví dụ: Sơ cấu nhận thức về một người bạn có thể bao gồm thông tin về ngoại hình, hành vi, tính cách và sở thích của người ấy.

- Sơ cấu nhận thức về xã hội: Loại này bao gồm các kiến thức chung về cách mọi người cư xử trong các tình huống xã hội nhất định.

- Sơ cấu nhận thức về bản thân: Loại này tập trung vào những hiểu biết về bản thân. Điều này có thể bao gồm cả những gì bạn biết về con người hiện tại của mình cũng như về con người lý tưởng hóa hoặc con người trong tương lai của bạn.

- Sơ cấu nhận thức về các sự kiện: Loại này tập trung vào các mẫu hành vi nên tuân theo đối với các sự kiện nhất định. Điều này giống như một kịch bản có sẵn thông báo cho bạn biết bạn nên làm gì, hành động như thế nào và bạn nên nói gì trong một tình huống cụ thể.

5 Schema Thay Đổi Như Thế Nào?

Các quá trình mà trong đó các sơ cấu nhận thức được điều chỉnh hoặc thay đổi được gọi là đồng hóa (assimilation) và điều chỉnh (accommodation).

Trong quá trình đồng hóa, thông tin mới được tích hợp vào các sơ cấu nhận thức đã có từ trước.

Trong quá trình điều chỉnh, các sơ cấu nhận thức hiện có có thể bị thay đổi hoặc các sơ cấu nhận thức mới có thể được hình thành khi một người học thông tin mới và có trải nghiệm mới.

Các schema có xu hướng dễ thay đổi hơn trong thời thơ ấu nhưng có thể ngày càng trở nên cứng nhắc và khó sửa đổi khi mọi người già đi. Các schema thường vẫn sẽ không bị thay đổi ngay cả khi một bằng chứng được đưa ra có tính chất mâu thuẫn với niềm tin.

Trong nhiều trường hợp, mọi người sẽ chỉ bắt đầu thay đổi sơ cấu nhận thức của họ một cách từ từ khi nhận được vô số bằng chứng liên tục chỉ ra sự cần thiết phải sửa đổi nó.

6 Schema Ảnh Hưởng Đến Khả Năng Học Tập Như Thế Nào?

Các sơ cấu nhận thức cũng đóng một vai trò trong giáo dục và quá trình học tập. Ví dụ:

Các sơ cấu nhận thức ảnh hưởng đến những gì chúng ta chú ý. Mọi người có nhiều khả năng chú ý đến những thứ phù hợp với sơ cấu nhận thức hiện tại của họ.

Các sơ cấu nhận thức cũng ảnh hưởng đến tốc độ học tập và tiếp thu. Nó giúp tìm hiểu thông tin dễ dàng hơn khi thông tin phù hợp với các sơ cấu nhận thức hiện có.
Các sơ cấu nhận thức giúp đơn giản hóa thế giới. Chúng giúp mọi người tìm hiểu về thế giới xung quanh họ dễ dàng hơn. Thông tin mới có thể được phân loại bằng cách so sánh trải nghiệm mới với các sơ cấu nhận thức hiện có.

Các sơ cấu nhận thức cho phép chúng ta tư duy nhanh. Ngay cả trong những điều kiện mà mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, các thông tin mới đến một cách nhanh chóng, chúng ta thường không phải mất nhiều thời gian để giải thích nó. Do các sơ cấu nhận thức hiện có, chúng ta có thể tiếp thu thông tin mới này một cách nhanh chóng và tự động.

Các sơ cấu nhận thức cũng có thể thay đổi cách chúng ta diễn giải thông tin được tiếp nhận. Khi tìm hiểu thông tin mới mà nó không phù hợp với các sơ cấu nhận thức đang tồn tại, mọi người có xu hướng bóp méo thông tin hoặc thay đổi nó để khiến nó phù hợp với sơ cấu nhận thức đã tồn tại hay phù hợp với những gì họ đã biết.
Các sơ cấu nhận thức cũng có thể rất khó thay đổi. Mọi người thường bám vào các sơ cấu nhận thức hiện có của họ ngay cả khi đối mặt với thông tin trái ngược, mâu thuẫn.

7 Schema & Những Thách Thức Đối Với Tâm Lý

Trong hầu hết các tình huống, sơ cấu nhận thức xảy ra một cách tự động hoặc xảy ra mà không cần quá nhiều nỗ lực. Mặc dù quá trình này xảy ra một cách dễ dàng nhưng nó đôi khi cũng có thể cản trở việc học thông tin mới.

Định kiến là một ví dụ về sơ cấu nhận thức ngăn cản mọi người nhìn thế giới như nó vốn có và ngăn cản họ tiếp nhận thông tin mới.

Bằng cách nắm giữ những niềm tin nhất định về một nhóm người cụ thể, sơ cấu nhận thức hiện có có thể khiến mọi người hiểu sai các tình huống. Khi một sự kiện xảy ra thách thức những niềm tin hiện có này, mọi người có thể đưa ra những cách giải thích thay thế nhằm duy trì và hỗ trợ sơ cấu nhận thức hiện có của họ thay vì điều chỉnh hoặc thay đổi niềm tin của họ.

Kháng Cự Với Sự Thay Đổi

Mọi người đều có ít nhiều các sơ cấu nhận thức nhất định đối với xã hội và văn hóa. Ví dụ như việc chúng ta nhận thức về nam tính và nữ tính trong nền văn hóa. Những sơ cấu nhận thức như vậy có thể dẫn đến những khuôn mẫu về việc mong đợi cách mà chúng ta cư xử cũng như những vai trò (đàn ông - phụ nữ) mà chúng ta mong đợi mọi người sẽ thực hiện.

Trong một nghiên cứu thú vị liên quan đến sơ cấu nhận thức, các nhà nghiên cứu đã cho một số trẻ em xem những hình ảnh phù hợp với kỳ vọng về giới tính (ví dụ như hình ảnh sửa xe với một người đàn ông và rửa bát đĩa với một người phụ nữ) và những đứa trẻ khác được cho nhìn những hình ảnh khác với định kiến về giới tính (người đàn ông rửa bát đĩa và người phụ nữ rửa xe).

Sau đó, khi trẻ được yêu cầu nhớ lại những gì chúng đã nhìn thấy, những đứa trẻ có quan điểm rất rập khuôn về giới tính có nhiều khả năng thay đổi giới tính của những người mà chúng nhìn thấy trong những hình ảnh không nhất quán về giới tính. Ví dụ, nếu trẻ nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông đang rửa bát, nhiều khả năng chúng sẽ nhớ đó là hình ảnh một người phụ nữ đang rửa bát.

Lời Kết

Lý thuyết về phát triển nhận thức của Piaget đã cung cấp một khía cạnh quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về cách trẻ em phát triển và học hỏi. Thông qua các quá trình thích ứng, điều chỉnh và cân bằng, trẻ xây dựng, thay đổi và phát triển các sơ cấu nhận thức cung cấp những khuôn mẫu về nhận thức về thế giới xung quanh.

Nguồn: Very Wellmind - What Is a Schema in Psychology?
-----------------------------
Vien Tam ly Viet - Phap
Hà Nội: So 54 Tran Quoc Vuong, P. Dich Vong Hau, Q. Cau Giay, TP. Ha Noi
TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điẹn Bien Phu, P.22, Q. Binh Thanh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (zalo, 24/7)
Email: daotaotamlyvietphap.vn
Web: https://tamlyvietphap.vn/
#tâmlý #tamly #socaunhanthuc #tamlyhoc #schema

DSM-5 Tiêu chí chẩn đoán tự kỉ Autism Speaks (Nói về Tự kỷ) rất vui mừng được cung cấp văn bản hoà... GIẢI THÍCH VỀ SƠ CẤU NHẬN THỨC (SCHEMA) TRONG TÂM LÝ HỌC Bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ schema v... Bột sen dưỡng nhan làm từ củ sen và các loại hạt Trong củ sen không chứa nhiều calo nhưng lại nh... CHÍNH THỨC RA MẮT CUỘC THI SDGS TOÀN CẦU DỰ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: SỰ BỀN VỮNG HỮU HÌNH - THIẾT ...