Bệnh xoắn buồng trứng là khi buồng trứng bị rơi xuống và xoắn lại, kéo theo động mạch cấp máu cho buồng trứng cũng xoắn, buồng trứng không còn được nuôi dưỡng và dẫn tới hoại tử buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một bệnh cảnh cấp cứu trong sản phụ khoa, đặc biệt khi bệnh nhân đang trong độ tuổi sinh sản. Xoắn buồng trứng là bệnh có thể gặp ở tất cả phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trên các buồng trứng có u. Tình trạng xoắn buồng trứng thường xảy ra khi buồng trứng có các nang với kích thước khoảng từ 5-10 cm, phổ biến nhất là dạng u nang bì. Bất cứ nguyên nhân gì làm thay đổi vị trí giải phẫu và khối lượng của buồng trứng đều có thể thay đổi vị trí của ống dẫn trứng và gây nên xoắn buồng trứng. Thai kỳ được cho là nguyên nhân trong 20% trường hợp xoắn buồng trứng. Điều này được lý giải là do buồng trứng tăng kích thước trong lúc mang thai cùng với sự lỏng lẻo của các mô nâng đỡ buồng trứng. Ống dẫn trứng bị dị tật bẩm sinh và kéo dài. Đây là nguyên nhân thường gặp trong nhóm bệnh nhân trẻ hoặc tiền dậy thì mắc bệnh xoắn buồng trứng. Các u buồng trứng, bao gồm cả u lành tính và ác tính, có liên quan tới 50-60% trường hợp xoắn. Các khối u gần như có kích thước khoảng 4-6 cm, mặc dù xoắn buồng trứng vẫn có thể diễn ra ở những u có kích thước nhỏ hơn. Các khối u ác tính ít có khả năng gây xoắn hơn u lành tính vì sự xâm lấn ra các mô xung quanh của tế bào ác tính giúp cố định buồng trứng. Các bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật vùng chậu cũng có tỷ lệ xoắn buồng trứng cao hơn, có thể là do hình thành các dây chằng do dính sau phẫu thuật và buồng trứng có thể xoắn vào đó. Vì là một tình huống cấp cứu nên người bệnh cần lưu ý những dấu hiệu xoắn buồng trứng để kịp thời đến khám tại các cơ sở y tế: Triệu chứng xoắn buồng trứng điển hình là đau bụng đột ngột, đau liên tục, thường khu trú rõ ở bên trái hoặc bên phải của vùng bụng dưới. Cơn đau thường không giảm khi uống các thuốc giảm đau thông thường và diễn tiến xấu đi khá nhanh, chỉ trong vài giờ. Nếu xoắn buồng trứng diễn ra chậm hoặc các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi. Buồn nôn và nôn gặp trong 70% trường hợp, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý có nguồn gốc từ đường tiêu hóa. Tiểu rắt, tiểu khó, táo bón, phù 2 chi dưới là các triệu chứng biểu hiện tình trạng chèn ép của các cơ quan lân cận của u nang buồng trứng lớn. Sốt có thể gặp khi xoắn buồng trứng đến muộn và có biến chứng hoại tử buồng trứng. Xoắn buồng trứng không chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ở những người mãn kinh, u buồng trứng bao gồm cả u lành tính và u ác tính có thể gây ra bệnh cảnh xoắn buồng trứng với những biểu hiện không đặc trưng và diễn tiến nhanh hơn. Như vậy, triệu chứng xoắn buồng trứng là không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu nội ngoại khoa khác. Vì thế phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để có thể phát hiện bệnh sớm hơn. Bệnh xoắn buồng trứng thường gặp ở những phụ nữ có các đặc điểm sau: Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ: những người phụ nữ này thường có buồng trứng di chuyển nhiều hơn, mô linh hoạt hơn nên dễ xoắn vặn hơn. Theo thời gian, buồng trứng sẽ nhỏ lại nên ít có khả năng xoay. Phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp. Tuy nhiên không có gì đảm bảo 100% răng phụ nữ sau mãn kinh sẽ không bị xoắn buồng trứng. Tiền sử được phát hiện có u nang buồng trứng. U nang buồng trứng càng nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh xoắn buồng trứng càng cao. Khi có nhiều u nang, khối lượng buồng trứng sẽ tăng lên, mất cân bằng và dễ xoay lật hơn. Những người phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, một tình trạng buồng trứng xuất hiện nhiều u nhỏ thì khả năng mắc xoắn buồng trứng gần như là chắc chắn. Áp dụng nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản: hầu hết sau khi điều trị sinh sản kích thước của buồng trứng sẽ tăng lên. Khi kích thước buồng trứng càng lớn thì khả năng xoắn càng cao, đặc biệt khi hoạt động thể lực mạnh, làm các động tác như nhảy hoặc nhào lộn. Ống dẫn trứng dài. Chiều dài của ống dẫn trứng tăng tỷ lệ với khả năng mắc buồng trứng xoắn Có tiền sử phẫu thuật vùng chậu trước đây Không có biện pháp nào hiệu quả trong việc phòng ngừa xoắn buồng trứng. Vì vậy tất cả phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/ lần để phát hiện kịp thời các bất thường nếu có. Việc chẩn đoán xác định sớm một trường hợp xoắn buồng trứng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của việc điều trị sau này. Siêu âm doppler màu đóng vai trò quan trọng trong các tình huống đau vùng chậu và đau bụng dưới ở phụ nữ. Chẩn đoán chậm trễ bệnh xoắn buồng trứng không phải là không phổ biến. Cần ưu tiên nghĩ tới bệnh lý này ở những đối tượng nguy cơ như có u nang buồng trứng, tiền sử phẫu thuật vùng chậu, hoặc đang mang thai. Trong những trường hợp nghi ngờ, một số chẩn đoán phân biệt cần được đặt ra như viêm ruột thừa, nhiễm trùng đường tiểu, viêm túi thừa, thai ngoài tử cung, lạc nội mạc tử cung hay các bệnh lý viêm nhiễm trong khoang chậu. Khi đó nội soi ổ bụng nên được tiến hành để thám sát vùng chậu giúp đưa ra chẩn đoán chính xác và xử trí nguyên nhân thực sự một cách kịp thời. Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị xoắn buồng trứng. Trong đa số trường hợp đến sớm phẫu thuật nội soi sẽ được thực hiện để tháo xoắn buồng trứng và có thể cân nhắc kết hợp với phẫu thuật cố định buồng trứng để tránh xoắn tái phát. Buồng trứng có thể đã bị hoại tử do không được cấp máu trong một khoảng thời gian dài do xoắn sẽ bị cắt bỏ. Trên lâm sàng, khi đã xác định chính xác chẩn đoán xoắn buồng trứng, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các thuốc giảm đau để làm nhẹ triệu chứng. Các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid và nhóm thuốc opioid thường được sử dụng. Tóm lại xoắn buồng trứng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới cấp tính ở phụ nữ tuy nhiên triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu cần phân biệt với nhiều bệnh khác. Vì vậy việc đến khám, chẩn đoán và điều trị phải diễn ra một cách chính xác và kịp thời để cứu lấy buồng trứng và bảo vệ khả năng sinh sản của người phụ nữ.Tổng quan bệnh Xoắn buồng trứng
Nguyên nhân bệnh Xoắn buồng trứng
Triệu chứng bệnh Xoắn buồng trứng
Đối tượng nguy cơ bệnh Xoắn buồng trứng
Phòng ngừa bệnh Xoắn buồng trứng
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Xoắn buồng trứng
Các biện pháp điều trị bệnh Xoắn buồng trứng