Bệnh virus Ebola (Ebola virus disease - EVD) hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola (Ebola hemorrhagic feve - EHF), là một căn bệnh chết người gây ra bởi một loại virus. Có tất cả 5 chủng virus Ebola, trong đó có 4 chủng có thể gây tác động nghiêm trọng tới con người. Khi virus Ebola đi vào cơ thể sẽ làm tổn thương hệ miễn dịch và các cơ quan khác, giảm khả năng đông máu, khiến cơ thể chảy máu (xuất huyết) nghiêm trọng và không thể kiểm soát được. Bệnh virus Ebola đặc biệt nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao từ 50 đến 90%, gióng lên hồi chuông cảnh báo tới nhiều nước và nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Ban đầu, virus Ebola được tìm thấy ở loài khỉ, tinh tinh cũng như các loài linh trưởng khác ở châu Phi. Một chủng loại của Ebola cũng đã được phát hiện ở loài khỉ và lợn ở Philippines. Dịch ebola bắt nguồn từ đâu? Nhiều chuyên gia cho rằng virus này lây truyền từ động vật sang người thông qua chất dịch cơ thể của một con vật bị nhiễm bệnh, ví dụ như máu, phân và nước tiểu. Những người giết mổ hoặc ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus khá cao, tương tự với việc tiếp xúc với phân hoặc nước tiểu của dơi sống trong các hang động cũng có thể là khởi nguồn cho cơn dịch. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus Ebola có thể lây lan qua vết cắn của côn trùng. Người bị nhiễm virus Ebola thường không lây cho người khác cho đến khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Các thành viên trong gia đình và nhân viên y tế thường bị nhiễm do chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh, nhất là khi họ không sử dụng thiết bị bảo hộ như mặt nạ phẫu thuật và găng tay. Một yếu tố khác có thể là căn nguyên truyền bệnh, đó là việc sử dụng lại bơm kim tiêm do điều kiện kinh tế không cho phép. Một số trường hợp cho thấy dịch Ebola đã bùng lên do sử dụng bơm kim tiêm không tiệt trùng kỹ. Các triệu chứng Ebola thường khởi phát từ 2 đến 21 ngày sau khi bị nhiễm virus bao gồm: Sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau bắp cơ, đau bụng tiêu chảy, đau họng, nôn mửa và đôi khi chảy máu bất thường, đi kèm với đó là sự suy giảm chức năng gan và thận. Bệnh virus Ebola từng có thời gian bị lầm tưởng là sốt rét nhưng không phải. Theo thời gian, các triệu chứng Ebola xuất hiện càng rõ ràng hơn, bao gồm: Buồn nôn và ói mửa Đau bụng, tiêu chảy (có thể có máu) Mắt đỏ Vết nổi ban to ra Đau ngực và ho Sụt cân Chảy máu trong bụng Chảy máu từ nhiều nơi trên cơ thể, ví dụ những mảng bầm máu dưới da, chảy máu từ tai, mắt, hậu môn, âm đạo, chân răng Bệnh virus Ebola không lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Ebola hầu hết lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (tinh dịch, sữa mẹ, mồ hôi, nước mắt) hoặc chất bài tiết, chất thải của người mắc bệnh Ebola; thông qua các vật như kim tiêm chưa được tiệt trùng nhiễm dịch thể của người bệnh hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của nạn nhân mắc bệnh Ebola. Bệnh virus Ebola không thể lây truyền từ một người bị nhiễm bệnh trước khi họ có những triệu chứng của bệnh. Người đã khỏi bệnh Ebola vẫn có thể lây nhiễm cho người khác khi máu hoặc các dịch tiết khác trong cơ thể họ vẫn còn virus Ebola, bởi máu và dịch tiết có thể vẫn nhiễm virus trong vài tuần. Chưa có bằng chứng nào chỉ ra rằng bệnh Ebola lây truyền qua không khí hoặc qua vết cắn côn trùng. Khẩu trang, găng tay, áo choàng bảo hộ, kính bảo hộ có thể ngăn lây truyền bệnh Ebola từ bệnh nhân sang người chăm sóc. Bệnh virus Ebola tuy hiếm gặp nhưng rất trầm trọng và chủ yếu diễn ra ở Trung và Tây Phi, tuy nhiên, đã có những trường hợp bệnh xuất hiện ở những vùng khác trên thế giới. Ebola có thể gây bệnh cho cả nam giới và nữ giới, không loại trừ bất kì lứa tuổi nào. Đối với hầu hết mọi người, nguy cơ bị mắc Ebola là rất thấp. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ gia tăng đối với một số trường hợp sau: Người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh Ebola: là đối tượng có nguy cơ cao nhất vì có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết cơ thể của bệnh nhân. Đối tượng này thường là người thân trong gia đình người bệnh, nhân viên y tế. Người du lịch đến châu Phi: khi dịch bệnh bùng phát, bạn có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nếu đi du lịch hoặc làm việc ở những nơi xảy ra dịch bệnh Ebola. Người thực hiện nghiên cứu trên động vật: Các nhà nghiên cứu, chuyên gia có nhiều khả năng bị nhiễm virus Ebola nếu thực hiện nghiên cứu trên động vật, đặc biệt là trên những con khỉ được nhập khẩu từ châu Phi hay Philippines. Người thực hiện chôn cất, mai táng: Kể cả khi đã qua đời, thi thể của những người đã chết vì Ebola vẫn có thể truyền bệnh. Khi có dịch bệnh bùng phát, cách phòng ngừa tốt nhất là không nên đi du lịch, thăm viếng tới đất nước đang có dịch bệnh Ebola. Nếu bắt buộc phải đi, cần chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ để tránh toàn bộ những tác nhân lây nhiễm trong quá trình du lịch, tiếp xúc với khu dịch bệnh. Nên trao đổi trước với các bác sĩ, cơ quan hỗ trợ y tế nếu bạn có kế hoạch đi đến những khu vực đang bùng phát dịch bệnh. Sau khi đi du lịch, nếu thấy bản thân hoặc bất kỳ ai trong nhóm đồng hành có dấu hiệu bị sốt, nhức đầu hoặc đau nhức cơ và khớp trong vòng 3 tuần trở về từ chuyến đi, cần liên hệ ngay với bác sĩ và tiến hành kiểm tra ngay lập tức. Đối với người bệnh: Cần cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân đúng để hạn chế lây lan dịch bệnh. Virus Ebola cũng được bài tiết qua tinh dịch và sữa mẹ nên cần tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh lây truyền sau khi xuất viện. Đối với người tiếp xúc gần: Người chăm sóc bệnh nhân cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ cá nhân (đeo khẩu trang, đeo kính bảo hộ mắt, mũ, găng tay bảo hộ, bao giầy, quần áo) rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Chú ý thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng. Bệnh virus Ebola khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu khá giống với một số bệnh như: thương hàn, sốt rét, dịch tả, sốt xuất huyết do virus khác... Nếu bác sĩ nghi ngờ ai nhiễm virus Ebola, họ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm máu để nhanh chóng xác định chủng loại virus, bao gồm xét nghiệm Elisa và xét nghiệm PCR, trong đó: Công thức chỉ số máu: thường có giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu Hóa sinh máu: tăng AST, ALT. Creatinin máu và ure có thể tăng trong thời gian tiến triển của bệnh. Rối loạn đông máu nội quản rải rác. Cách duy nhất để sớm khắc phục bệnh virus Ebola là đến bệnh viện, các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị ngay từ khi mới nghi ngờ tiếp xúc với virus hay giai đoạn các triệu chứng vẫn còn sơ khai. Hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa căn bệnh này, các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thông qua thử nghiệm một số phương hướng điều trị chống lại bệnh bằng cách phá hủy các tế bào đã nhiễm virus. Các bác sĩ thường chỉ làm giảm và kiểm soát các triệu chứng của bệnh bằng cách: Truyền dịch và cung cấp chất điện giải thông qua uống hoặc tiêm tĩnh mạch Thở oxy Chỉ định thuốc điều chỉnh huyết áp Truyền máu bù lại lượng máu bị mất Điều trị các bệnh nhiễm trùng khác. Cô lập bệnh nhân mắc bệnh Ebola nhằm ngăn chặn lây truyền Hậu quả của dịch bệnh Ebola để lại là vô cùng nghiêm trọng, được đánh giá là “một trong những bệnh dễ gây chết người nhất từng được biết đến”. Bệnh Ebola không những lấy đi sự sống của người bệnh mà còn ẩn giấu nguy cơ bùng phát đại dịch. Kể cả những người được xác định đã chữa khỏi cũng luôn tiềm tàng nguy cơ tái phát trở lại, đây là điều đáng lo ngại bởi hiện nay vẫn chưa có vắc xin cũng như phương án điều trị triệt để cho căn bệnh này. Tổng quan bệnh Virus Ebola
Nguyên nhân bệnh Virus Ebola
Lây truyền từ động vật sang người
Lây truyền từ người sang người
Triệu chứng bệnh Virus Ebola
Đường lây truyền bệnh Virus Ebola
Đối tượng nguy cơ bệnh Virus Ebola
Phòng ngừa bệnh Virus Ebola
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Virus Ebola
Các biện pháp điều trị bệnh Virus Ebola