Viêm màng hoạt dịch là một trong những căn bệnh về xương khớp khá phổ biến hiện nay, thường ảnh hưởng đến các khớp thường xuyên vận động của cơ thể như khớp gối, khớp háng, khớp khủy hay cổ chân, gây ra những cơn đau đớn vô cùng khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Màng hoạt dịch hay còn gọi là túi hoạt dịch, là một miếng đệm nhỏ nằm ở phía trong bao khớp, chứa đựng hàng loạt các chất nhầy gọi là hoạt dịch có tác dụng bôi trơn hệ thống xương khớp và nuôi dưỡng các sụn khớp của cơ thể. Ngoài ra hoạt dịch trong bao khớp còn có chức năng là chống nhiễm khuẩn. Do đó khi các khớp lớn của cơ thể bị viêm nhiễm sẽ làm cho các chất hoạt dịch trong bao hoạt dịch đột ngột tăng lên dẫn tới bao hoạt dịch sẽ bị viêm nhiễm. Tùy theo vị trí gây viêm mà có các loại viêm màng hoạt dịch khác nhau, trong đó có viêm màng hoạt dịch khớp háng, viêm màng hoạt dịch khớp gối mạn tính hiện nay đang rất phổ biến. Viêm màng hoạt dịch khớp háng: là bệnh lý xảy ra do viêm của các túi nhỏ ở háng, khi các túi nhỏ này bị kích thích hoặc viêm sẽ gây nên triệu chứng đau ở hông cho người bệnh. Viêm màng hoạt dịch khớp gối mạn tính: là bệnh lý thể viêm mạn tính một hay hai khớp gối dai dẳng hoặc là triệu chứng đầu tiên của một bệnh toàn thể, trong đó giai đoạn sau biểu hiện đầy đủ các triệu chứng bệnh (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh gút, …). Có nhiều rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm màng hoạt dịch, tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất là do người bệnh sử dụng khớp quá mức. Nguyên nhân viêm màng hoạt dịch bao gồm: Tuổi tác là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên hầu hết các bệnh lý về cơ xương khớp, trong đó có bệnh viêm màng hoạt dịch. Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa diễn ra càng nhanh và mạnh, do đó nó làm cho bao hoạt dịch ở các khớp hoạt động kém đi, dễ gặp phải các chấn thương và các viêm nhiễm màng bao hoạt dịch hơn những người trẻ tuổi. Giữ nguyên tư thế của một khớp nào đó trong khoảng thời gian dài: Khi thường xuyên thực hiện một số động tác nào đó như tựa khuỷu tay, quỳ, ngồi hay đứng một chỗ trong thời gian dài rất dễ gây ức chế lên các bao hoạt dịch ở các khớp này, lâu dần có thể gây viêm màng hoạt dịch. Là hậu quả của một số bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải như: viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout hay tiểu đường. Do làm các công việc thường xuyên phải vận động nhiều ở một khớp nào đó như các vận động viên điền kinh hoạt động các khớp gối hay các nhân viên văn phòng thường xuyên dùng khớp cổ tay và ngón tay để gõ bàn phím , khi hoạt động quá tải làm cho các bao hoạt dịch tại khớp đó bị viêm Trong các khớp vận động của cơ thể, khớp khuỷu tay và khớp gối thường có nguy cơ bị viêm màng bao hoạt dịch cao nhất do bao hoạt dịch của các khớp này nằm ở dưới da, chỉ cần một tác động nhẹ khiến bị chấn thương cũng có thể gây ra hiện tượng viêm nhiễm. Triệu chứng của bệnh viêm màng hoạt dịch thường xuất hiện trong thời gian ngắn đôi khi có thể thay đổi sang vị trí khác. Các triệu chứng thường thấy khi bệnh nhân bị viêm màng hoạt dịch bao gồm: Các khớp viêm bị đau nhức: Tại các khớp bị viêm màng bao hoạt dịch, điển hình là khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay,… sẽ thường xuất hiện những cơn đau nhức rất khó chịu. Cơn đau càng trở nên dữ dội hơn khi bệnh nhân vận động các khớp. Khi dùng tay ấn vào vùng khớp bị viêm thì bệnh nhân cảm giác đau không thể tả nổi, có khi cơn đau kéo dài tới hơn 2 tuần. Sưng đỏ hay bầm tím tại khớp bị viêm Khô khớp, cứng khớp: Bao hoạt dịch bị viêm nhiễm sẽ làm hạn chế chức năng bôi trơn các khớp của hoạt dịch, lâu dần các khớp sẽ bị khô dẫn đến sự vận động khó khăn, khi bệnh nhân di chuyển kèm theo âm thanh rắc rắc như khớp muốn rời hẳn ra. Sốt nhẹ, đôi khi sốt cao ở một số trường hợp. Khi có các triệu chứng trên và nghi ngờ mắc bệnh viêm màng hoạt dịch thì người bệnh cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Viêm màng hoạt dịch thường xảy ra ở những bệnh nhân tuổi ngày càng cao, tuy nhiên có thể gặp ở tuổi trung niên và trẻ em. Yếu tố nguy cơ làm tăng viêm màng hoạt dịch như căng thẳng thường xuyên, chấn thương hông, các bệnh cột sống, bệnh thấp khớp,... Viêm màng hoạt dịch là một bệnh lý khá nguy hiểm, nó không chỉ khiến bệnh nhân chịu những cơn đau nhức dữ dội mà còn có thể lấy đi khả năng vận động của bệnh nhân nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Tránh mang vác các vật nặng nhằm hạn chế sức ép lên một số bao hoạt dịch ở vùng khớp vai hay khớp đầu gối. Không nên giữ các khớp ở một tư thế trong thời gian dài, cần tránh việc quỳ, ngồi hay đứng một chỗ quá lâu, thỉnh thoảng nên đi lại vận động nhẹ nhàng để các khớp được co giãn linh hoạt để tránh sự ức chế lên các bao hoạt dịch gây nên bệnh lý viêm màng hoạt dịch. Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,... tránh các bài tập gắng sức. Khi phải thường xuyên quỳ đối với một số công việc, bệnh nhân cần phải sử dụng miếng đệm quỳ để có thể giảm thiểu được áp lực lên vùng đầu gối. Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, giảm cân nếu cơ thể béo phì có thể phòng tránh tốt bệnh viêm màng bao hoạt dịch. Các phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh viêm màng hoạt dịch bao gồm: Thăm khám lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng đã nêu trên như sưng, nóng, đỏ tại khớp. Phân tích dịch khớp: Tiến hành lấy một lượng dịch trơn quanh khớp bị viêm đem đi xét nghiệm. Sử dụng nghiệm pháp gọi là ấn xương bánh chè: Đây là biện pháp đơn giản để khẳng định bệnh nhân có bị sưng dưới cơ hay không, nó được tiến hành như sau: dùng tay ấn lên vùng gối từ trên xuống ngay vị trí xương bánh chè để ép lượng dịch dư thừa ở bao đệm đầu gối. Chụp X-quang, chụp xương hoặc siêu âm: Các phương pháp này được chỉ định thực hiện nhằm để chẩn đoán phân biệt các loại bệnh lý về xương khác. Các phương pháp điều trị viêm màng hoạt dịch khớp: Để điều trị viêm màng bao hoạt dịch, các bác sĩ chuyên khoa chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc giảm đau hay thuốc chống viêm không chứa steroid. Mục đích: Giúp người bệnh giảm viêm và giảm các cơn đau do bệnh lý này gây ra. Một số số được sử dụng để điều trị viêm màng hoạt dịch như: ibuprofen naproxen,… Trường hợp bệnh nhân bị viêm màng hoạt dịch nặng cần tiêm thuốc corticosteroid trực tiếp vào vị trí các bao hoạt dịch tổn thương Vật lý trị liệu Đây là phương pháp điều trị mang tính chất hỗ trợ nhằm nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh, giảm đau và ngăn ngừa được nguy cơ tái phát của bệnh. Yêu cầu và khuyến khích người bệnh luyện tập một số bài tăng cường sức mạnh cho cơ bắp ở những vùng khớp bị tổn thương bao hoạt dịch, tuy nhiên không được luyện tập quá sức, điều đó có thể làm tăng tình trạng viêm màng hoạt dịch ở bệnh nhân. Phẫu thuật Biện pháp này được cân nhắc chỉ định khi bệnh nhân đã sử dụng các thuốc đặc trị hay đã kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu mà không thu được kết quả hoặc hiệu quả không cao. Mục đích: hút dịch ở bao hoạt dịch bị tổn thương ra ngoài, kết hợp sử dụng các loại thuốc đặc trị để người bệnh sớm hồi phục sức khỏe. Tổng quan bệnh Viêm màng hoạt dịch
Nguyên nhân bệnh Viêm màng hoạt dịch
Triệu chứng bệnh Viêm màng hoạt dịch
Triệu chứng tại chỗ
Dấu hiệu toàn thân
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm màng hoạt dịch
Phòng ngừa bệnh Viêm màng hoạt dịch
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm màng hoạt dịch
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm màng hoạt dịch
Dùng thuốc trong điều trị