Ung thư tuyến tụy là gì? Ung thư tuyến tụy (tên tiếng Anh là Pancreatic cancer) là một dạng ung thư liên quan đến các mô ở tuyến tụy, một cơ quan nội tiết quan trọng nằm phía sau dạ dày, gần túi mật. Tuyến tụy có vai trò sản xuất các enzyme hỗ trợ tiêu hoá và các hormone (glucagon và insulin) điều hòa đường huyết. Ở dạng ung thư này, các tế bào xuất phát từ tuyến tuỵ sẽ phân chia và nhân lên không kiểm soát, lây lan sang các mô xung quanh, hình thành các khối u ác tính và gây tử vong cho người bệnh. Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm vì khó phát hiện ở giai đoạn sớm, thường phát hiện muộn, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Đa số các bệnh nhân ung thư sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được từ 2-3 năm, tỷ lệ tái phát ung thư cũng khá lớn. Còn đối với những bệnh nhân giai đoạn cuối, không thể can thiệp bằng phẫu thuật thì đa số không sống quá một năm. Ung thư tuyến tụy được chia thành hai nhóm chính, dựa vào vùng bị ung thư ảnh hưởng đến chức năng nội tiết hay ngoại tiết: Hầu hết ung thư tuyến tụy khởi phát từ phần ngoại tiết của tuyến tụy, nơi sản xuất ra các enzyme tiêu hoá. Phổ biến nhất trong loại này là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma), chiếm đến 85% tổng số các trường hợp ung thư tuyến tụy. Dạng ung thư này thường bắt nguồn từ các tế bào trong ống dẫn của tuyến tụy. Các bệnh lý ác tính khác có thể kể đến: Ung thư nang tuyến (acinar cell carcinomas) Ung thư mô liên kết của tuỵ (sarcomas) Ung thư mô bạch huyết của tụy( lymphomas) Ung thư tế bào đảo tuỵ Dạng này ít phổ biến hơn, ảnh hưởng tới chức năng sản xuất hormone của tuyến tụy. Các khối u ở dạng này đa phần lành tính và ít xâm lấn hơn ung thư biểu mô tuyến tụy. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân ung thư tuyến tụy. Nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết tới loại ung thư này đã được xác định: Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình: Các đột biến gene có thể dẫn tới sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào tuyến tụy, gây nên ung thư. Các đột biến gene này có thể di truyền qua các thế hệ. Có khoảng 5-10% trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tụy sinh ra trong các gia đình có người thân mắc bệnh. Yếu tố tuổi tác: Tuổi đời càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Theo thống kê, hơn một nửa số ca ung thư biểu mô tuyến tụy bắt gặp ở những người trên 70 tuổi nhưng bệnh này lại hiếm khi xảy ra trước tuổi 40. Yếu tố độc hại từ môi trường: Những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 20-30% so với người bình thường. Nguy cơ này tăng theo số lượng và thời gian hút thuốc. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các chất độc hại như dung môi, xăng dầu, thuốc trừ sâu, benzidine, thuốc diệt cỏ,... cũng có khả năng cao gây ung thư tuyến tụy. Yếu tố giới tính: Ung thư tuyến tụy gặp phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Có thể là điều này là do nam hút thuốc nhiều hơn nữ. Các yếu tố khác: Viêm tụy mãn tính, tiểu đường và thừa cân (chỉ số BMI, Body Mass Index, lớn hơn 35) cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy. Ở giai đoạn sớm, những dấu hiệu ung thư tuyến tụy không xuất hiện rõ ràng, tuỳ thuộc vào vị trí, kích thước của khối u và mức độ di căn. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn sau và khối u phát triển, chèn vào các cơ quan khác, phần lớn bệnh nhân có những triệu chứng bao gồm: Vàng da hoặc vàng mắt: hiện tượng này xuất hiện do khối u chèn ép vào đường mật. Vàng da trong trường hợp này không kèm theo đau và sốt, đây cũng là một dấu hiệu để phân biệt tắc mật do khối u chèn ép đường mật và tắc mật do sỏi mật. Ngứa lòng bàn tay, bàn chân. Giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân. Khẩu vị thay đổi, cảm giác chán ăn, mệt mỏi. Đau bụng trên hoặc đau lưng, thường lan từ vùng quanh dạ dày đến lưng: Đây là dấu hiệu xấu cho thấy khối u đã xâm lấn vào đám rối tạng phía sau phúc mạc. Phân lỏng có mùi- phân có màu sậm: Khi khối u đầu tụy chèn vào ống tụy sẽ có thể gây nên triệu chứng tiêu chảy, tiêu phân mỡ. Tuy nhiên, hiện tượng này thường ít được để ý cho đến khi xuất hiện vàng da. Túi mật phình to Nôn ói, chảy máu đường tiêu hoá trên do khối u chèn ép, xâm lấn tá tràng. Với những yếu tố nguy cơ kể trên, các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy bao gồm: Những người hút thuốc lá. Người cao tuổi. Người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tụy. Bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc viêm tụy mãn tính. Người thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với các hoá chất độc hại như xăng dầu, thuốc trừ sâu, benzimidine,... Những người ít vận động, thừa cân, béo phì. Hiện nay vẫn chưa có một nguyên tắc tiêu chuẩn nào nhằm phòng tránh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, dựa vào các yếu tố nguy cơ gây bệnh, các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng một số phương pháp sau để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh: Không hút thuốc lá cũng như tránh tiếp xúc với môi trường khói thuốc. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh để bị thừa cân hoặc béo phì. Có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều các loại rau củ quả, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ. Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày. Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư tuyến tuỵ, các bác sĩ có thể tiến hành một số phương pháp kết hợp sử dụng hình ảnh y khoa và xét nghiệm máu, kiểm tra mẫu mô như sau: Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ ( MRI) để có hình ảnh chi tiết tình trạng của tuyến tụy. Siêu âm qua nội soi: Được xem là phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất. Sinh thiết mô tuyến tụy. Xét nghiệm máu, kiểm tra chỉ số nồng độ CA 19-9 (Cancer Antigen 19-9), nồng độ CEA (Carcinoembryonic Antigen). Ung thư tuyến tụy được chia thành các giai đoạn chính như sau: Giai đoạn 1: Khối u chỉ xuất hiện trong tuyến tụy, kích thước nhỏ dưới 2cm. Giai đoạn này bệnh nhân gần như không có bất kỳ triệu chứng nào nên rất khó phát hiện. Giai đoạn 2: Khối u phát triển lớn hơn 2cm, xâm lấn sang các mô lân cận nhưng chưa tác động đến các mạch máu. Tế bào ung thư có thể hiện diện ở các hạch bạch huyết xung quanh. Giai đoạn 3: Ung thư tuyến tụy di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận. Tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu chính. Giai đoạn 4: Khối u có thể có bất kỳ kích thước nào, xâm lấn đến những cơ quan khác xa hơn như gan, phổi, màng bụng,.. Vậy ung thư tuyến tụy có chữa được không? Câu trả lời là có. Việc chữa khỏi và kéo dài sự sống cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy phụ thuộc lớn vào sức khoẻ và giai đoạn của bệnh. Việc phát hiện ung thư sớm sẽ giúp điều trị có kết quả tốt hơn. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân và giai đoạn ung thư, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị sau: Phẫu thuật: tùy thuộc vào vị trí khối u mà bác sĩ có thể sử dụng một trong các thủ thuật sau: Phẫu thuật Whipple: Cắt bỏ đầu tụy, hang vị, đoạn cuối ống mật chủ, các hạch lân cận. Cắt bỏ toàn bộ tụy. Cắt thân và đuôi tuỵ. Xạ trị: Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp không thể phẫu thuật hoặc ung thư đã di căn bên ngoài tuyến tụy, hoặc được kết hợp với hoá chất để điều trị cho bệnh nhân sau mổ. Hiện nay, ... đã và đang áp dụng kĩ thuật xạ trị tiên tiến nhất SBRT để giúp bệnh nhân ung thư. Hoá trị: Phương pháp này dùng để hỗ trợ xạ trị hoặc áp dụng nếu phẫu thuật và xạ trị không còn phù hợp. Hoá trị giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, giảm đau đớn và các triệu chứng khó chịu ở giai đoạn cuối.Tổng quan bệnh Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy ngoại tiết
Ung thư tuyến tụy nội tiết
Nguyên nhân bệnh Ung thư tuyến tụy
Triệu chứng bệnh Ung thư tuyến tụy
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư tuyến tụy
Phòng ngừa bệnh Ung thư tuyến tụy
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư tuyến tụy
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư tuyến tụy