Ung thư thanh quản là gì? Ung thư thanh quản là ung thư biểu mô thanh quản, chủ yếu thuộc loại ung thư tế bào vảy, xảy ra khi biểu mô tăng trưởng một cách mất kiểm soát và hình thành khối u. Ung thư thanh quản được chia làm 5 giai đoạn. Cũng như các loại ung thư khác, dấu hiệu ung thư thanh quản thường có biểu hiện không rõ ràng làm người bệnh dễ bỏ qua. Ung thư thanh quản có thể xâm lấn đến các mô xung quanh và di căn xa theo đường bạch huyết và đường máu, hay gặp nhất là di căn xa đến phổi. Nguyên nhân ung thư thanh quản hiện chưa được nghiên cứu rõ nhưng nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh đã được xác định. Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị ung thư thanh quản là các phương pháp điều trị đang được sử dụng. Đây là bệnh phổ biến chiếm khoảng 20% trong các bệnh ung thư nói chung ở Việt Nam và xếp hàng thứ hai ở các bệnh ung thư vùng đầu cổ, đứng sau ung thư vòm họng. Nghiên cứu tại mỹ cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư thanh quản là 60%. Nguyên nhân ung thư thanh quản hiện nay vẫn chưa được hiểu chính xác. Bất kỳ tác nhân nào làm thay đổi sự tăng trưởng của tế bào biểu mô thanh quản đều có thể dẫn tới ung thư thanh quản. Sự thay đổi trong DNA của tế bào là khởi đầu của một bệnh lý ác tính. Một sự biến đổi của DNA sẽ thay đổi quá trình tăng trưởng tế bào, hầu hết các trường hợp tế bào sẽ sinh sôi mất kiểm soát thay vì chết theo chương trình. Mặc dù không chắc chắn lý do làm thay đổi DNA của tế bào biểu mô thanh quản nhưng nhiều yếu tố đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản như: thuốc lá, rượu, làm việc trong nhà máy hóa chất, mỏ có niken, amiang, đã bị tia xạ vùng trước cổ, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, viêm thanh quản mạn tính, tình trạng sừng hóa, bạch sản, u nhú của dây thanh âm. Dấu hiệu ung thư thanh quản cần được nhận biết vì ung thư thanh quản có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 80% nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm và đa phần các trường hợp phát hiện bệnh muộn thường là do chủ quan. Triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u, bao gồm: Khàn tiếng xuất hiện ở những người trên 40 tuổi và kéo dài lâu hơn 3 tuần là triệu chứng gợi ý bệnh lý ác tính. Khi đó bệnh nhân cần đến khám ngay tạo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Ho dai dẳng là một trong các dấu hiệu ung thư thanh quản mà người bệnh cần lưu tâm. Ho mang tính chất kích thích, đôi khi ho từng cơn co thắt. Khi bệnh nặng hơn, nuốt khó, sặc thức ăn vào đường hô hấp có thể là nguyên nhân gây ho mà bệnh nhân phải đối mặt. Biểu hiện khó thở có thể xuất hiện sớm hoặc cùng lúc với khàn tiếng, lúc đầu khó thở khi gắng sức về sau xuất hiện thường xuyên hơn. Kích thước khối u càng lớn thì càng chèn ép nhiều vào đường thở, làm triệu chứng nặng hơn. Thường xuất hiện sau chứng khàn tiếng và khó thở, lúc này khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo dấu hiệu đau tai. Bệnh nhân ở giai đoạn này không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống sonde dạ dày để bơm thức ăn. Có thể thấy đau khi nuốt kèm theo. Sút cân không rõ nguyên nhân là biểu hiện toàn thân gợi ý bệnh lý ác tính, nếu kèm theo những bất thường nói trên là bằng chứng rõ ràng của bệnh ung thư thanh quản . Các triệu chứng kể trên nhìn chung là không đặc hiệu vì còn xuất hiện trong nhiều bệnh cảnh khác. Vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu ung thư thanh quản nào kể trên người bệnh nên tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia y tế. Mặc dù nguyên nhân ung thư thanh quản vẫn chưa được biết chính xác nhưng những người có các yếu tố sau đây được xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ, có khả năng mắc ung thư thanh quản cao: Giới: nam giới mắc ung thư thanh quản với tỷ lệ cao gấp 4 lần nữ giới. Tuổi: tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt ở nhóm những người trên 55 tuổi. Dân tộc: người mỹ gốc phi mắc ung thư thanh quản cao hơn người da trắng. Nghề nghiệp: làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với niken, acid sunfuric và bụi amiang làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản . Hút thuốc lá: cũng như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư bàng quang, ung thư thực quản, những người hút thuốc lá cũng dễ mắc ung thư thanh quản hơn. Những người hút thuốc lá trên 25 điếu/ngày hoặc kéo dài trên 40 năm có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 40 lần so với nhóm người không hút thuốc. Rượu: người uống rượu dễ bị ung thư thanh quản hơn, đặc biệt ở những cá nhân vừa hút thuốc lá vừa lạm dụng rượu. Nguy cơ tăng tỷ lệ với lượng rượu uống vào. Uống rượu tăng khả năng mắc ung thư thanh quản lên 3 lần. Tiền sử: những người mắc ung thư vùng đầu mặt cổ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản . Bố mẹ, anh chị em hoặc con cái được chẩn đoán mắc ung thư vùng đầu mặt cổ cũng làm tăng nguy cơ lên đến 2 lần. Chế độ ăn: ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và các thức ăn chiên rán cùng với sự thiếu hụt vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Human papilloma virus (HPV): được cho là làm biến đổi các tế bào biểu bì và biểu mô cơ thể như biểu mô cổ tử cung, hậu môn, miệng và họng. HPV lây truyền qua đường tinh dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng. Các chuyên gia cho rằng hầu hết ung thư thanh quản có thể được phòng tránh bằng cách thiết lập một phong cách sống khỏe mạnh. Xây dựng các thói quen tốt như sau: Không sử dụng thuốc lá và rượu, đặc biệt là không cùng lúc sử dụng cả hai chất. Giữ vệ sinh răng miệng không chỉ giúp bạn có một hàm răng khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư vùng đầu cổ đơn giản mà hiệu quả. Hạn chế ăn các thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ muối (rau, củ, quả muối). Tích cực ăn các thực phẩm tươi, chế độ ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là cà chua, hoa quả họ cam quýt, dầu olive, dầu cá, thực phẩm giàu vitamin là cách để ngăn ngừa nhiều loại ung thư, trong đó bao gồm cả ung thư thanh quản. Khám sức khỏe định kỳ: Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe là rất quan trọng, nhất là với những người trong độ tuổi 40 – 50, giúp phát hiện những tổn thương tiền ung thư, tối ưu hóa hiệu quả điều trị sau này. Khuyến cáo những người trên 45 tuổi khàn tiếng kéo dài hoặc xuất hiện khối u trên cổ không giải thích được cần đến khám tại các chuyên gia trong vòng 2 tuần. Chẩn đoán ung thư thanh quản bao gồm chẩn đoán xác định bệnh và chẩn đoán giai đoạn bệnh để xây dựng một phác đồ điều trị hiệu quả cho từng bệnh nhân cụ thể. Việc chẩn đoán dựa vào khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm. Một số phương pháp giúp chẩn đoán ung thư thanh quản như: Soi thanh quản là phương pháp giúp quan sát được thanh quản của bệnh nhân một cách rõ ràng. Có 2 cách là soi thanh quản gián tiếp và soi thanh quản trực tiếp. Soi thanh quản gián tiếp: bác sĩ sử dụng một gương nhỏ dài để kiểm tra thanh quản của bạn, tìm kiếm những vùng bất thường và kiểm tra hai dây thanh âm có di động bình thường hay không. Có thể sẽ xịt gây tê tại họng để tránh phản xạ nôn oẹ. Soi thanh quản trực tiếp: bác sĩ sẽ đặt qua mũi hoặc miệng của bệnh nhân một ống mỏng có đèn sáng được gọi là ống soi thanh quản. Bằng cách này bác sĩ có thể nhìn thấy các vùng mà họ không nhìn thấy được trên gương. Gây tê tại chỗ giúp làm giảm sự khó chịu và chống lại sự nôn oẹ. Có thể được sử dụng một thuốc an thần nhẹ giúp cho bệnh nhân đỡ căng thẳng. Đôi khi bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê toàn thân. Chụp cắt lớp vi tính: máy tia X sẽ được nối với máy tính sẽ chụp hàng loạt các hình ảnh chi tiết của vùng cổ. Bạn có thể phải tiêm một chất nhuộm màu đặc biệt giúp cho thanh quản của bạn sẽ hiện rõ lên trên hình ảnh. Nhờ biện pháp chụp cắt lớp vi tính các bác sĩ có thể nhìn rõ các khối u vùng thanh quản hoặc các vị trí khác ở cổ của bạn. Giải phẫu bệnh (sinh thiết): Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, các bác sĩ có thể lấy đi một mảnh nhỏ tổ chức để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Giải phẫu bệnh là cách duy nhất để khẳng định khối u là ác tính hay lành tính. Để lập được một kế hoạch điều trị tốt nhất, bác sỹ cần phải đánh giá giai đoạn, sự lan rộng của khối u ra các tổ chức xung quanh và tình trạng di căn xa. Ung thư thanh quản được chia làm 5 giai đoạn như sau: Ung thư thanh quản giai đoạn 0 Ở giai đoạn này thì các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy khu trú tại thanh quản. Nếu phát hiện ở giai đoạn này bệnh có thể điều trị thành công và khỏi bệnh hoàn toàn. Ung thư thanh quản giai đoạn 1 Khối u đã hình thành và cũng chỉ mới ở thanh quản chưa xâm lấn sang các cơ quan khác. Khối u ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh âm thường vẫn đi động bình thường. Ung thư thanh quản giai đoạn 2 Khối u vẫn chỉ ở thanh quản nhưng đã có sự thay đổi ở các vị trí của khối u, lúc này dây thanh âm có thể không di động được nữa. Ung thư thanh quản giai đoạn 3 Lúc này khối u đã lan rộng ngoài thanh quản. Thượng thanh môn: khối u ở thanh quản hoặc ở mô kế thanh quản, hai dây thanh di động không bình thường, khối u lúc này có thể lan vào hạch bạch huyết ở vùng cổ cùng bên với u và hạch lớn hơn 3cm. Thanh môn: Khối u chỉ ở thanh quản và hai dây thanh không di động bình thường. Khối u có thể lan vào hạch ở cùng bên cổ với khối u xuất phát và hạch có kích thước nhỏ hơn 3cm. Hạ thanh môn: Lúc này khối u chỉ thấy ở thanh quản, 2 dây thanh không di động bình thường, khối u có thể lan sang hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với chỗ phát khối u và hạch có kích thước nhỏ hơn 3 cm. Ung thư thanh quản giai đoạn 4 Khối u đã bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác, xuất hiện hạch lan rộng với kích thước to hơn. Điều trị ung thư thanh quản được quyết định sau khi đã xác định giai đoạn bệnh. Điều trị đặc hiệu phụ thuộc vào vị trí, kích thước và giai đoạn của khối u. Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc phối hợp nhiều phương pháp. Xạ trị ung thư thanh quản Xạ trị là biện pháp sử dụng tia X năng lượng cao để giết chết các tế bào ung thư. Tia X tấn công vào khối u và tổ chức xung quanh. Đây là biện pháp điều trị tại chỗ và chỉ ảnh hưởng tới các tế bào trong trường chiếu. Một đợt điều trị kéo dài 5 ngày một tuần trong 5 đến 8 tuần. Ung thư thanh quản có thể điều trị bằng xạ trị đơn thuần hay kết hợp phẫu thuật hoặc hóa chất. Xạ trị đơn thuần: Điều trị cho các khối u nhỏ hoặc các bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật. Xạ trị kết hợp phẫu thuật: Xạ trị được sử dụng để thu nhỏ kích thước khối u trước phẫu thuật hoặc tiêu diệt tế bào ung thư còn sót hoặc tái phát sau phẫu thuật. Xạ trị kết hợp hoá chất: Xạ trị có thể điều trị trước trong hoặc sau điều trị hoá chất. Sau tia xạ có nhiều bệnh nhân cần được nuôi dưỡng tạm thời bằng ống thông dạ dày. Phẫu thuật ung thư thanh quản Điều trị phẫu thuật là biện pháp ngoại khoa nhằm lấy bỏ khối u thanh quản. Cách thức phẫu thuật chủ yếu dựa vào kích thước và vị trí khối u, được phân thành nhiều loại: Cắt toàn bộ thanh quản. Cắt một phần thanh quản: Cắt thanh quản trên thanh môn Cắt dây thanh âm: lấy bỏ một hoặc hai dây thanh âm Đôi khi phẫu thuật viên cũng nạo vét hạch, lấy bỏ cả những khối hạch vùng cổ khi có di căn đến đó. Trong cuộc mổ ung thư thanh quản , phẫu thuật viên có thể cần phải mở khí quản. Không khí sẽ lưu thông thông qua lỗ mở này. Lỗ mở khí quản đôi khi chỉ là tạm thời, cho tới khi bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật một số bệnh nhân có thể cần một ống nuôi dưỡng tạm thời. Hóa trị ung thư thanh quản Hoá trị liệu ung thư là việc sử dụng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Các bác sỹ có thể sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp tùy vào phác đồ điều trị. Các thuốc được sử dụng trong ung thư thanh quản thường dùng theo đường tiêm tĩnh mạch. Có nhiều cách sử dụng hoá chất trong ung thư thanh quản: Hóa trị trước phẫu thuật hoặc xạ trị: với mục đích làm nhỏ các khối u kích thước lớn trước phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị sau phẫu thuật và xạ trị: thuốc được dùng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Hoá chất cũng được sử dụng trong trường hợp di căn xa. Hoá trị có thể được sử dụng cùng với xạ trị để thay thế phẫu thuật. Thanh quản không bị cắt bỏ và giọng nói vẫn được giữ nguyên. Sau khi giải quyết khối u thanh quản, việc điều trị hỗ trợ sau đó cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khi thanh quản đã bị cắt bỏ 1 phần hay toàn bộ, các liệu pháp ngôn ngữ cần được áp dụng trên người bệnh. Cần tái khám mỗi một đến ba tháng trong hai năm đầu tiên, và mỗi sáu tháng trong 2 năm tiếp theo bởi các chuyên gia ung bướu và chuyên gia tai mũi họng. Cần có các biện pháp giúp bệnh nhân ung thư thanh quản hòa nhập với cộng đồng sau điều trị.Tổng quan bệnh Ung thư thanh quản
Nguyên nhân bệnh Ung thư thanh quản
Triệu chứng bệnh Ung thư thanh quản
Khàn tiếng
Ho
Khó thở
Khó nuốt
Sút cân
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư thanh quản
Phòng ngừa bệnh Ung thư thanh quản
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư thanh quản
Chẩn đoán xác định bệnh ung thư thanh quản
Chẩn đoán giai đoạn ung thư thanh quản
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư thanh quản
Chăm sóc sau điều trị ung thư thanh quản