Bệnh trĩ ngoại là gì?
Trĩ ngoại là hiện tượng các đám rối tĩnh mạch ở dưới đường lược (phía ngoài, bờ của hậu môn) bị giãn ra và gấp khúc, nổi lên, che phủ bởi một lớp da mỏng được gọi là búi trĩ. Khi nhìn có thể thấy rõ các tĩnh mạch trĩ rất nhỏ và mảnh, đan xen, chồng chéo nhau trong búi trĩ
Bệnh trĩ ngoại tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ngứa ngáy, vướng víu và cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh
Người bệnh nếu chủ quan không điều trị dứt điểm và kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khác như viêm nhiễm hậu môn
Nguyên nhân trĩ ngoại thường gặp là:
- Thói quen ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động, mang vác nặng
- Táo bón kéo dài làm người bệnh rặn nhiều gây tăng áp lực tĩnh mạch trĩ kéo dài kèm với cơ thắt hậu môn cũng giãn ra theo dẫn tới trĩ
- Thói quen ăn uống thiếu chất xơ, cay nóng
- Thói quen vô tình hằng ngày như ngồi xổm, rặn khi đi cầu
- Quan hệ đồng tính nam
Triệu chứng trĩ ngoại thường biểu hiện ban đầu giống như trĩ nội và trĩ tổng hợp:
- Đi ngoài ra máu: là triệu chứng thường gặp nhất, máu thường có màu đỏ tươi. Tuy nhiên bệnh trĩ không phải luôn luôn đi ngoài ra máu
- Có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn
-
Đau rát hậu môn: triệu chứng xuất hiện cao điểm trong và sau khi đi vệ sinh hoặc có thể âm ỉ cả ngày, đặc biệt là khi ngồi
-
Đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn
Biểu hiện rõ ràng hơn của trĩ ngoại có thể thấy là:
- Ở hậu môn bệnh nhân xuất hiện búi trĩ phồng lên trông như mẩu thịt thừa
- Búi trĩ phình to, có lớp da che phủ, màu đỏ sẫm như cục máu đông, nhìn thấy rõ các tĩnh mạch ngoằn nghèo, chồng chéo lên nhau, nhiều trường hợp còn có mủ
- Hậu môn luôn trong tình trạng ẩm ướt, ngứa ngáy, nóng rát
- Lâu ngày búi trĩ sẽ phình to lên dẫn đến dễ vỡ hoặc chảy máu khi va chạm, áp lực mạnh hoặc di chuyển
Có thể phân độ trĩ ngoại dựa vào 4 mức độ sau:
- Trĩ ngoại cấp độ 1: Trĩ cương tụ, có thể có chảy máu
- Trĩ ngoại cấp độ 2: Sa trĩ khi rặn, tự co lên sau khi đi ngoài
- Trĩ ngoại cấp độ 3: Sa trĩ khi rặn, không tự co lên được, phải dùng tay đẩy lên
- Trĩ ngoại cấp độ 4: Trị sa thường xuyên, kể cả trường hợp sa trĩ tắc mạch
Người có nguy cơ mắc trĩ ngoại thường là những đối tượng sau:
- Người có thói quen sinh hoạt ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động, mang vác nặng
- Người có thói quen ăn uống thiếu chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng như rượu bia, ớt, hạt tiêu…
- Người có thói quen ngồi xổm, rặn khi đi cầu, quan hệ đồng tính nam
- Người bị táo bón kéo dài
- Người mắc các bệnh toàn thân như rối loạn tiêu hóa, bệnh hô hấp
- Phụ nữ mang thai và sau khi đẻ cũng có nguy cơ cao mắc trĩ ngoại vì khi có thai thường dễ táo bón và sức khỏe yếu cùng với hệ thống tĩnh mạch cũng yếu hơn. Thai lớn cũng chèn ép gây cản trở lưu thông máu về tính mạch chủ dưới, động tác rặn khi đẻ đều là yếu tố nguy cơ của bệnh
Với những yếu tố nguy cơ đã nêu trên thì biện pháp phòng ngừa trĩ ngoại chính là có một lối sống và sinh hoạt phù hợp như:
- Ăn thức ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu, hạn chế ăn đồ cay nóng
- Thay đổi tư thế thường xuyên khi làm việc, tránh tình trạng ngồi lâu hoặc đứng quá lâu
- Tránh mang vác quá nặng, ngồi xổm nhiều, rặn quá mạnh khi đi ngoài
- Phụ nữ mang thai càng phải có chế độ ăn uống và sinh hoạt chặt chẽ hơn khi bản thân đã là yếu tố nguy cơ mắc trĩ ngoại
Chẩn đoán bệnh trĩ chủ yếu dựa vào lâm sàng người bệnh và các xét nghiệm đi kèm để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện tương tự:
Về lâm sàng:
- Chẩn đoán được thực hiện bằng cách nhìn vào khu vực trĩ với biểu hiện rõ nhất là sự xuất hiện của búi trĩ phồng to ở hậu môn, có lớp da che phủ, màu đỏ sẫm như cục máu đông và có các mạch máu ngoằn nghèo, chồng chéo lên nhau
- Triệu chứng đi kèm của bệnh nhân có thể là ngứa ngáy, nóng rát hậu môn, đau tức khi đại tiện hoặc đứng, ngồi lâu.
- Đi ngoài ra máu khá thường gặp nhưng không phải là triệu chứng bắt buộc
Về xét nghiệm: nội soi đại tràng và đại tràng sigma là cần thiết để xác nhận chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác như nứt ống hậu môn, viêm ống hậu môn, khối u hậu môn, trực tràng, polyp hậu môn- trực tràng và đặc biệt là nguyên nhân nghiêm trọng như ung thư đại tràng, trực tràng
Có 2 phương pháp điều trị trĩ ngoại là điều trị bằng nội khoa và điều trị bằng phẫu thuật
Về phương pháp nội khoa điều trị trĩ ngoại:
- Bệnh nhân mắc trĩ ngoại được áp dụng cả 2 loại thuốc: thuốc đường uống và thuốc tác động tại chỗ (tại vị trí búi trĩ)
- Thuốc uống: là nhóm thuốc được chiết xuất từ thực vật hoặc có chứa hoạt chất Rutin có tác dụng làm tăng tính thẩm thấu và sức đàn hồi của các tĩnh mạch vùng hậu môn- trực tràng, làm giảm tình trạng phù nề, sung huyết tĩnh mạch
- Thuốc có tác dụng tại chỗ: có loại thuốc mỡ bôi và thuốc dạng viên đặt vào trong hậu môn, đều có mục đích là kháng viêm, giảm đau và làm săn chắc tĩnh mạch
Về phương pháp phẫu thuật điều trị trĩ ngoại:
- Có rất nhiều phương pháp như chích xơ, phẫu thuật cắt trĩ, đốt điện, lazer, thắt dây thun,… Tuy nhiên trong thường hợp cắt trĩ ngoại thì chỉ nên áp dụng phương pháp cắt trĩ vì đây là cơ quan thụ cảm chứa nhiều dây thần kinh cảm giác nên sẽ gây đau đớn kéo dài khi dùng các phương pháp khác
- Phương pháp cắt trĩ cũng chỉ áp dụng cho bệnh nhân mắc trĩ giai đoạn muộn
>>| Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. theo vinmec