Rối loạn lưỡng cực là rối loạn cảm xúc được đặc trưng bằng một giai đoạn rối loạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ phối hợp với các giai đoạn rối loạn trầm cảm trong quá trình phát triển của bệnh. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm tỷ lệ 1% dân số, giữa hai giới không có sự khác biệt, tuổi khởi phát thường thấp hơn rối loạn trầm cảm chủ yếu. Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không? Mức độ ảnh hưởng tâm lý xã hội ở người rối loạn lưỡng cực rất cao. Tỷ lệ ly hôn cao gấp 2 – 3 lần so với dân số chung và đa số những người này đều trải qua khó khăn trong nghề nghiệp, xã hội và gia đình kéo dài và cần được can thiệp tâm lý xã hội. Rối loạn lưỡng cực có khỏi được không? Rối loạn lưỡng cực là bệnh rất hay tái phát. Bệnh được coi là tái phát nếu bệnh nhân có hiện tượng đảo pha (từ hưng cảm sang trầm cảm hoặc ngược lại) hoặc đã có thêm một cơn cùng loại với cơn trước đây nhưng khoảng thời gian giữa các cơn kéo dài ít nhất 2 tháng không có các triệu chứng. Nếu quãng thời gian giữa các cơn ngắn hơn 2 tháng thì vẫn xem như là một cơn duy nhất. Nguyên nhân cụ thể của bệnh rối loạn lưỡng cực hiện nay các nhà khoa học vẫn không rõ, tuy nhiên có một số yếu tố có thể tham gia trong việc gây ra và kích hoạt những cơn lưỡng cực như: Sự thay đổi các quá trình sinh học trong cơ thể: ở những bệnh nhân có rối loạn lưỡng cực xuất hiện thì có các sự thay đổi vật lý trong não. Tầm quan trọng của những thay đổi ở não này hiện nay vẫn còn chưa chắc chắn nhưng có thể giúp chỉ điểm nguyên nhân gây ra bệnh. Các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể: sự mất cân bằng tự nhiên của những chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bệnh rối loạn lưỡng cực và các rối loạn về tâm trạng khác. Các nội tiết tố: mất cân bằng các nội tiết tố có thể tham gia trong việc gây ra rối loạn lưỡng cực. Di truyền: bệnh rối loạn lưỡng cực thường gặp hơn ở những người có anh chị em hoặc cha mẹ đã mắc bệnh. Môi trường: môi trường sống và làm việc căng thẳng hay trải nghiệm các đau thương đáng kể có thể đóng vai trò quan trọng gây ra rối loạn lưỡng cực. Bệnh rối loạn lưỡng cực có 3 giai đoạn khác nhau: Giai đoạn trầm cảm giống như trầm cảm nặng (trạng thái thấp nhất) Giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ (trạng thái cao hơn) Giai đoạn hưng phấn hoặc giai đoạn không trầm cảm Đôi khi người bệnh có biểu hiện với các giai đoạn khác nhau, trong đó có bệnh nhân mang cả triệu chứng hưng cảm và trầm cảm, kết hợp với giảm hoạt động nặng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực là: Tuổi khởi phát trẻ (< 25 tuổi) Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh rối loạn lưỡng cực Thời tiết: bệnh lý rối loạn lưỡng cực dễ xuất hiện vào mùa đông hơn các thời điểm khác trong năm. Sinh con: phụ nữ sau sinh có nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực cao gấp hai lần người thường. Một số phụ nữ không có bệnh sử tâm thần trước đó có khả năng phát triển trầm cảm sau sinh và cần được theo dõi, tầm soát cẩn thận vì có nguy cơ phát triển thành rối loạn lưỡng cực rất cao. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh rối loạn lưỡng cực không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh (chẳng hạn như những người có người thân trong gia đình đang mắc bệnh rối loạn lưỡng cực) cần được hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết tình trạng hưng cảm hoặc trầm cảm nếu có của bản thân để có hướng điều trị thích hợp, giúp phòng ngừa khởi phát cơn nặng và không làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh nhận diện ra các triệu chứng càng sớm thì khả năng phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng càng cao. Những thay đổi dù là nhỏ trong tâm trạng, giấc ngủ, năng lượng, sự hấp dẫn giới tính, khả năng tập trung, động lực, suy nghĩ về cái chết, thậm chí cả những thay đổi trong cách giữ vệ sinh cơ thể hay trang phục cũng có thể là dấu hiệu sớm khởi phát bệnh. Hỏi bệnh sử: Có hiện diện những triệu chứng không điển hình như ngủ ngày quá mức và tăng cân cũng như triệu chứng chậm chạp tâm thần vận động Có hiện diện những đặc tính loạn thần và đồng thời lạm dụng chất phối hợp Những đợt trầm cảm tái phát đa dạng (> 3 giai đoạn), thời gian bị trầm cảm ngắn (< 3 tháng), dùng thuốc chống trầm cảm gây ra hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ trong quá khứ hay trong hiện tại, Có hiện diện những giai đoạn trầm cảm khác nhau, trong đó những triệu chứng hưng cảm nhẹ xảy ra trong một giai đoạn trầm cảm. Đáp ứng với thuốc chống trầm cảm trong thời gian ngắn, nhưng không kéo dài rồi mất đi theo thời gian Khám lâm sàng: Đánh giá trạng thái tâm thần: người bệnh trò chuyện với bác sĩ tâm thần về suy nghĩ, cảm xúc và thói quen. Nếu được người bệnh cho phép, bác sĩ sẽ hỏi người thân trong gia đình và những bạn bè thân thiết với người bệnh về những triệu chứng của người bệnh để cung cấp thêm thông tin cho việc chẩn đoán. Biểu đồ tâm trạng: người bệnh ghi nhận hàng ngày dưới dạng biểu đồ về tâm trạng, giấc ngủ và các yếu tố khác có thể giúp cho việc chẩn đoán và điều trị đúng Chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực ở trẻ em: Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên cũng giống như ở người lớn, tuy nhiên, các triệu chứng ở trẻ em thường đa dạng và không khớp hoàn toàn với tiêu chuẩn chẩn đoán. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán kèm với các rối loạn tâm thần khác như hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cần đưa trẻ đến khám tại bác sĩ tâm thần trẻ em có nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực. Chẩn đoán phân biệt với các bệnh tâm thần khác như rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không đặc trưng khác. Hiện nay có nhiều thuốc được dùng để điều trị rối loạn lưỡng cực nhưng nhìn chung được xếp vào 2 nhóm chính: Ổn định khí sắc. Chống loạn thần. Việc chọn đơn trị liệu hay đa trị liệu cần phải cân nhắc kỹ dựa trên đặc tính của từng loại thuốc cũng như đặc tính của từng bệnh nhân cụ thể làm sao phát huy tối đa tác dụng của thuốc và hạn chế tối đa các tác dụng phụ để đem đến cuộc sống chất lượng cho người bệnh. Tổng quan bệnh Rối loạn lưỡng cực
Nguyên nhân bệnh Rối loạn lưỡng cực
Triệu chứng bệnh Rối loạn lưỡng cực
Đối tượng nguy cơ bệnh Rối loạn lưỡng cực
Phòng ngừa bệnh Rối loạn lưỡng cực
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rối loạn lưỡng cực
Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn lưỡng cực