Quáng gà là gì? Bệnh quáng gà, đôi khi còn được gọi là chứng mù đêm, là cách gọi thông thường của bệnh lý thoái hóa sắc tố võng mạc mắt. Quáng gà được đặc trưng bởi tình trạng giảm thị lực, thu hẹp tầm nhìn vào ban đêm hay trong bóng tối, những nơi ánh sáng không đầy đủ. Thăm khám đáy mắt có thể thấy các đám sắc tố hình tế bào xương ở võng mạc. Bệnh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày của bệnh nhân. Các bệnh lý tại mắt: Cận thị, bệnh Glôcôm (tăng nhãn áp), đục thủy tinh thể, viêm võng mạc sắc tố, hội chứng Usher (tình trạng suy giảm thính giác và thị giác do di truyền), … là những bệnh lý ở mắt có thể gây ra quáng gà ở bệnh nhân. Các bệnh lý toàn thân: Một số bệnh lý khác trong cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh quáng gà, như đái tháo đường, bệnh Keratoconus,... Thuốc: Các thuốc tăng nhãn áp có thể là nguyên nhân của tình trạng đóng con ngươi và gây ra các triệu chứng quáng gà trên bệnh nhân. Dinh dưỡng: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền xung thần kinh, và chuyển thành hình ảnh trên võng mạc. Vì vậy, thiếu Vitamin A là một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh quáng gà. Quáng gà triệu chứng là gì? Bệnh nhân có thể dễ dàng nhận ra sự bất thường của thị lực với triệu chứng nhìn kém trong tối, chẳng hạn như khi đi ngoài trời vào ban đêm, nhà tối chưa bật đèn,... Trong điều kiện thiếu sáng như thế thì bệnh nhân rất dễ bị vấp ngã, va vào các đồ vật do thị lực giảm sút. Ngoài ra, một triệu chứng cũng rất hay gặp ở bệnh nhân quáng gà là không điều chỉnh thị lực kịp thời khi chuyển từ chỗ sáng vào chỗ tối. Đôi khi, bệnh nhân có thể giảm thị lực ngay cả trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Bác sĩ thường không phát hiện được sự bất thường khi thăm khám bên ngoài mắt, trừ khi bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở giai đoạn muộn của bệnh. Soi đáy mắt có thể phát hiện thấy động mạch võng mạc bị thu nhỏ, đám sắc tố hình tế bào xương ở võng mạc ngoại biên, đĩa thị giác bạc màu, hoặc có thể thấy phù hoàng điểm dạng nang. Thị trường (vùng nhìn thấy của mắt) có thể bị thu hẹp dần, nặng nề hơn có thể dẫn đến thị trường hình ống, là tình trạng thị trường bị thu hẹp trầm trọng, bệnh nhân như nhìn qua một cái ống. Cũng có thể sẽ xuất hiện một triệu chứng được gọi là ám điểm, nghĩa là trong thị trường của bệnh nhân có những vùng nhỏ không nhìn thấy, nếu ám điểm càng ngày càng lan rộng thì chứng tỏ tình trạng bệnh đang diễn tiến nặng lên. Quáng gà thường gặp ở những người lớn tuổi, vì họ có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể. Sự thiếu hụt Vitamin A cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc trẻ suy dinh dưỡng, nếu không cung cấp đủ Vitamin A trong khẩu phần ăn có thể dẫn đến tình trạng quáng gà. Hay ở bệnh nhân suy tuyến tụy cũng có nguy cơ bị thiếu Vitamin A do sự rối loạn hấp thu chất béo kéo theo việc Vitamin A cũng không được hấp thu. Sự tăng đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường có thể gây ra biến chứng trên mắt, nên đó cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh quáng gà. Vitamin A đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng ngừa quáng gà. Một chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ Vitamin A và các khoáng chất thiết yếu có thể giúp đẩy lùi bệnh quáng gà. Các thực phẩm có màu đỏ cam như cà chua, cà rốt, bí đỏ, xoài,...; hay các loại rau lá xanh đậm, rau bó xôi,... là những nguồn dinh dưỡng rất giàu Vitamin A. Đối với các đối tượng có nguy cơ thiếu Vitamin A như phụ nữ mang thai, trẻ không bú mẹ, … thì cần được bổ sung thêm Vitamin A để có thể phòng tránh các triệu chứng của bệnh quáng gà. Đưa trẻ đi uống Vitamin A định kỳ (theo Chương trình phòng chống mù lòa quốc gia) là việc làm hết sức cần thiết để trẻ có được đôi mắt khỏe mạnh. Đối với những người mắc bệnh lý quáng gà bẩm sinh hoặc do di truyền: Cần tuân thủ điều trị của bác sĩ để có thể hạn chế diễn tiến xấu của bệnh. Khi có những dấu hiệu bất thường cần đến gặp bác sĩ ngay. Tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng của bệnh cũng như những chuyển biến trong điều trị. Tập thích nghi và di chuyển trong tình trạng quáng gà. Hạn chế lái xe vào ban đêm để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thu thập các triệu chứng, tiền sử, bệnh sử của bệnh nhân và tiến hành khám thực thể để có thể định hướng bệnh quáng gà, từ đó chỉ định một số cận lâm sàng phù hợp giúp chẩn đoán xác định bệnh. Khám thị trường: là một trong những xét nghiệm cần làm đầu tiên khi nghi ngờ quáng gà. Khám nghiệm điện võng mạc: cho phép đánh giá các tình trạng thoái hóa võng mạc của mắt, bao gồm việc xác định loại tế bào võng mạc thương tổn, tính chất di truyền, độ trầm trọng,... Đây là xét nghiệm quan trọng nhất trong việc chẩn đoán bệnh quáng gà ở bệnh nhân đến khám vì triệu chứng nhìn kém trong bóng tối. Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm máu, kiểm tra bảng chuyển hóa cơ bản cũng có thể hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh. Bệnh quáng gà cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý nhiễm khuẩn, viêm, tắc mạch máu võng mạc, để có thể đưa ra chỉ định điều trị đúng đắn cho bệnh nhân. Việc nhầm lẫn trong chẩn đoán để lại những hệ lụy cho người bệnh. Quáng gà và cách chữa Cần giải thích cho bệnh nhân quáng gà về các đặc điểm của bệnh cũng như kế hoạch điều trị, để họ có thể hiểu rõ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc điều trị quáng gà phụ thuộc rất lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu tình trạng quáng gà là hậu quả của bệnh cận thị, đục thủy tinh thể hay thiếu Vitamin A, thì triệu chứng quáng gà có thể được khắc phục nhờ vào điều trị nguyên nhân gây bệnh. Còn nếu quáng gà bẩm sinh hoặc liên quan đến di truyền thì việc điều trị hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là điều trị triệu chứng và đẩy lùi tiến triển của bệnh. Đối với quáng gà do cận thị: thị lực của bệnh nhân có thể được cải thiện nhờ vào việc đeo kính cận (kính đeo mắt hoặc kính áp tròng), kể cả thị lực ban ngày hay ban đêm. Đối với quáng gà do đục thủy tinh thể: phẫu thuật thay thế thủy tinh thể cải thiện đáng kể thị lực cũng như điều trị triệu chứng quáng gà ở bệnh nhân đục thủy tinh thể. Đối với quáng gà do thiếu Vitamin A: bệnh nhân cần được bổ sung Vitamin A theo đúng chỉ định của bác sĩ, liều Vitamin A có thể là 15.000 đơn/vị ngày đường uống. Tuy nhiên, cần tuân thủ nghiêm ngặt điều trị của bác sĩ, vì Vitamin A quá liều có thể có những tác dụng phụ nhất định. Đối với tình trạng di truyền gây quáng gà: Bệnh nhân chỉ có thể được điều trị triệu chứng và phòng tránh diễn tiến của bệnh. Ngoài ra, tư vấn tiền hôn nhân hay khám sàng lọc ở những đối tượng nguy cơ cũng rất cần thiết. Hiện nay, nhiều thử nghiệm như phẫu thuật cấy vi mạch trên võng mạc, cấy tế bào gốc lành vào võng mạc đang được tiến hành với hy vọng tìm ra phương pháp điều trị cải thiện chức năng võng mạc ở bệnh nhân quáng gà.Tổng quan bệnh Quáng gà
Nguyên nhân bệnh Quáng gà
Triệu chứng bệnh Quáng gà
Đối tượng nguy cơ bệnh Quáng gà
Phòng ngừa bệnh Quáng gà
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Quáng gà
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán phân biệt
Các biện pháp điều trị bệnh Quáng gà