Nhiễm vi khuẩn HP là một trong những bệnh lý nhiễm khuẩn mạn tính thường gặp nhất ở người do vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên. Nhiễm vi khuẩn HP có nguy hiểm không và nhiễm vi khuẩn HP gây ra bệnh gì đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay do khi nhiễm vi khuẩn này bệnh nhân thường bị nhiều tổn thương và biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, và nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ước tính có khoảng hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm HP, chủ yếu ở các nước đang phát triển với tần suất nhiễm rất cao từ 50-90% ở lứa tuổi >20 và hầu hết trẻ em bị nhiễm ở độ tuổi từ 2-8. Việt Nam cũng thuộc vùng có tỷ lệ nhiễm HP cao, vào khoảng> 70% ở người lớn. Nhiễm khuẩn này xảy ra do vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên. Helicobacter pylori (HP) là một trực khuẩn Gram âm, hình cong hoặc hình chữ S, đường kính từ 0,3- 1µm, dài 1,5-5 µm với 4-6 lông mảnh ở mỗi đầu, chính nhờ các lông này cùng với hình thể của mình mà HP có thể chuyển động trong môi trường nhớt. HP thường cư trú ở trong lớp nhầy tập trung chủ yếu ở hang vị sau đó là thân vị và có thể thấy HP ở những vùng có dị sản dạ dày ở tá tràng. Không thấy HP trên bề mặt niêm mạc ruột và vùng dị sản ruột ở dạ dày. Để có thể tồn tại trong môi trường acid của dịch vị dạ dày, vi khuẩn HP tiết ra một lượng lớn enzyme Urease, lớn hơn nhiều so với bất kỳ một loại vi khuẩn nào khác, nhằm trung hòa độ acid trong dạ dày. Vì thế ở dạ dày sự hiện diện của urease gần như đồng nghĩa với sự có mặt của HP. Vi khuẩn HP tăng trưởng tốt ở nhiệt độ 30-40 độ và chịu được môi trường pH từ 5- 8,5. Bệnh nhân khi bị nhiễm vi khuẩn HP vẫn có thể sống khỏe mạnh và thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, bệnh có thể gây ra các triệu chứng của viêm loét dạ dày, bao gồm: Đau bụng sau khi ăn, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, ợ nóng thường xuyên, đầy hơi, hôi miệng, giảm cân không chủ ý. Trường hợp nhiễm vi khuẩn HP lâu ngày, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng rõ rệt như cơn đau bụng dữ dội và dai dẳng, khó nuốt, phân lẫn máu hoặc có màu đen, nôn ra máu hoặc dung dịch nôn có màu đen hay trông như bã cà phê. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trên, nghi ngờ bị nhiễm vi khuẩn HP, cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm do HP gây ra. HP có thể được lây truyền qua nhiều đường như: miệng-miệng, phân-miệng, dạ dày-miệng và dạ dày- dạ dày. Ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn bị nhiễm là nguồn lây lan quan trọng ban đầu.Trong đó nhiễm vi khuẩn HP lây qua 3 con đường chính sau: Lây qua đường miệng-miệng: Đây là đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Nếu vợ hoặc chồng bị nhiễm HP thì chắc chắn rằng một người còn lại có nguy cơ bị nhiễm HP rất cao, có thể đến 90%. Do đó, khi một người đã nhiễm HP thì người kia cũng cần đi kiểm tra. Nếu cả 2 người đều nhiễm thì cũng điều trị cả 2 để tránh vi khuẩn đề kháng thuốc. Lây qua đường phân-miệng: Sự tái nhiễm và lây lan HP trong cộng đồng còn qua sinh hoạt ăn uống, thói quen dùng chung đồ trong gia đình và cộng đồng. Lây qua đường dạ dày-miệng: Các thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng.... chưa được vệ sinh tiệt khuẩn sạch sẽ. Nhiễm khuẩn HP phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vị trí địa lý và chất lượng cuộc sống. Nhiễm vi khuẩn HP có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ nhưng thông thương bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ngay từ khi còn nhỏ. Những đối tượng dễ mắc bệnh lý này bao gồm: Người bệnh thường xuyên sống ở những nơi đông đúc như ký túc xá, quân đội, gia đình có nhiều người, chỉ cần một người bị nhiễm vi khuẩn HP có thể lây lan cho cả một tập thể. Khu vực sống thiếu nước sạch, thực phẩm nhiễm bẩn không đảm bảo an toàn. Người sống ở những nước đang phát triển có nguy cơ rất cao bị nhiễm vi khuẩn HP: người dân sống ở các nước đang phát triển, nơi mà điều kiện sống chật chội và nước sinh hoạt bị thiếu và không sạch, vệ sinh môi trường kém. Sống chung với bệnh nhân bị nhiễm H. pylori. Ở các nước đang phát triển,đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn là trẻ em ở độ tuổi từ 2-8 tuổi và người lớn từ 20 tuổi trở lên. Ở các nước phát triển tuổi bị nhiễm khuẩn HP thường >50 tuổi và chiếm 50% dân số. Hiện nay, trên thế giới người ta vẫn chưa nghiên cứu được vắc-xin ngừa vi khuẩn HP nên phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh nhiễm và tránh gặp các biến chứng nặng do vi khuẩn HP gây ra. Ăn các loại thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng Sử dụng và uống các nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẩn. Nên ăn chín, uống sôi, tránh thói quen ăn mặn, không nên sử dụng nhiều muối và ăn các loại khô, mắm, thịt cá xông khói, nướng cháy. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn HP. Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin từ rau củ quả để góp phần bảo vệ và hạn chế ung thư dạ dày. Tập thể dục 30 phút 1 ngày với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ , tập yoga, đặc biệt là trẻ em cần tập thói quen tập thể dục từ nhỏ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Có 2 phương pháp chính để chẩn đoán vi khuẩn HP bao gồm: các phương pháp xâm phạm và phương pháp không xâm phạm Phương pháp xâm phạm: Xét nghiệm urease: Nhằm phát hiện men urease của HP. Đây là một xét nghiệm nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và hữu hiệu để chẩn đoán HP với độ nhạy và độ đặc hiệu > 95% . Nuôi cấy: đây là phương pháp xét nghiệm đặc hiệu nhất, là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán nhiễm HP. Trong trường hợp điều trị thất bại, nuôi cấy làm kháng sinh đồ là xét nghiệm có ích và gần như duy nhất để đánh giá tình trạng kháng thuốc của HP. Mặc dù độ đặc hiệu cao, đạt gần 100% nhưng độ nhạy thì rất khác nhau do ảnh hưởng của các yếu tố như mật độ vi khuẩn, điều kiện tiến hành nuôi cấy, môi trường nuôi cấy... Chẩn đoán MBH: Đây là xét nghiệm được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán nhiễm HP, độ nhạy và độ đặc hiệu của thử nghiệm này là > 95%. Xét nghiệm này còn cho phép đánh giá các tổn thương của niêm mạc dạ dày. Kỹ thuật PCR (Polymerase chain reaction): PCR là một kỹ thuật chẩn đoán có trong các phòng thí nghiệm tiên tiến nhưng chưa thông dụng trong chẩn đoán nhiễm HP. Độ nhạy của phương pháp này > 90% Phương pháp không xâm phạm Xét nghiệm tìm kháng thể kháng HP trong huyết thanh: Thử nghiệm bằng phương pháp ELISA, nó được sử dụng để phát hiện kháng thể IgG kháng H. P. Xét nghiệm này có độ nhạy trên 90% nhưng ít được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi sau khi điều trị tiệt trừ HP vì kháng thể vẫn tồn tại từ 6 tháng đến 1 năm kể từ khi bị nhiễm HP và sau tiệt trừ. Xét nghiệm tìm kháng thể HP trong nước tiểu: Phương pháp giúp tìm kháng thể kháng vi khuẩn HP trong nước tiểu trong vòng 10 đến 20 phút nên nên nó thường được sử dụng trong tầm soát nhiễm H. P với độ nhạy đạt 80% và độ đặc hiệu 90%, không có giá trị cho chẩn đoán, theo dõi sau điều trị diệt trừ HP Xét nghiệm kháng nguyên trong phân: Đây là một thử nghiệm ELISA nhằm phát hiện kháng nguyên của HP trong phân. Độ nhạy 95% và độ đặc hiệu 94% kể cả sau khi đã tiệt trừ HP. Theo bộ y tế, để điều trị nhiễm vi khuẩn HP có nhiều phác đồ điều trị vi khuẩn HP, chủ yếu là dùng thuốc với chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ. Tổng quan bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Nguyên nhân bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Triệu chứng bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Đường lây truyền bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Phòng ngừa bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm vi khuẩn HP
Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm vi khuẩn HP