Hoại tử vô mạch (tên tiếng Anh là Avascular Necrosis) là một căn bệnh về xương xảy ra do mất tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn cung cấp máu tới xương, khiến các tế bào mô xương bắt đầu chết đi, xương trở nên mỏng manh dễ gãy từ bên trong. Vô mạch hoại tử còn được gọi là hoại tử xương, hoại tử vô trùng và hoại tử xương thiếu máu cục bộ. Vô mạch hoại tử xảy ra phổ biến nhất là ở xương khớp hông, xương đùi, xương cánh tay, xương đầu gối, xương vai, xương mắt cá chân. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hay nhiều xương cùng lúc hoặc cũng có thể là nhiều xương ở những thời điểm khác nhau. Theo thời gian nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, tình trạng bệnh sẽ càng ngày càng trở nặng gây ra suy giảm xương. Cuối cùng xương suy yếu đến mức có thể sụp đổ, gây ra đau đớn và tàn tật cho người bệnh. Thời gian dẫn đến đau nặng và mất xương của hoại tử vô mạch là từ 2 - 5 năm. Hoại tử vô mạch xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến xương bị gián đoạn hoặc suy giảm, có thể được gây ra bởi một số nguyên nhân: Chấn thương. Khi bị chấn thương, phần xương bị gãy hoặc trật khớp cũng có thể gây thiệt hại hay phá hủy các mạch máu khu vực gần đó. Nếu không có nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng ổn định, các tế bào xương chết. Mạch máu bị hẹp: Lưu lượng máu vận chuyển đến xương có thể bị ảnh hưởng nếu xương được cấp máu bởi động mạch đang bị thu hẹp hoặc tắc, phổ biến nhất là một chút nhỏ chất béo - những khối của các tế bào máu bị biến dạng - trong trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu hồng cầu hình liềm. Áp lực từ bên trong xương: Một số phương pháp điều trị y tế hoặc biến chứng của một số bệnh như Legg-calve-Perthes, bệnh Gaucher có thể làm tăng áp lực từ bên trong xương, làm cho cho máu khó thâm nhập hơn. Bệnh vô mạch hoại tử thường không xuất hiện triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Chỉ khi bệnh tiến triển, hầu hết người bệnh mới có biểu hiện đau khớp. Đầu tiên chỉ đau khi mang vác vật nặng, tạo áp lực lên xương, sau đó thì người bệnh sẽ đau kể cả lúc nghỉ ngơi. Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng và gia tăng theo thời gian. Khi bệnh tiến triển nặng hơn và xương cũng như bề mặt các khớp bị vỡ, cơn đau sẽ trở nên rất nghiêm trọng và có thể làm giảm khả năng chuyển động tại khớp xương bị ảnh hưởng. Các khớp thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hoại tử vô mạch bao gồm: Đầu gối: Nếu bị vô mạch hoại tử ở đầu gối, cơn đau xảy ra thường xuyên nhất ở phần trong và trên của đầu gối và nặng hơn nếu người bệnh cử động nhiều khu vực này.. Xương vai. Một số người bệnh bị vô mạch hoại tử ở vai, nhưng phổ biến nhất là bị đau đớn bởi vô mạch hoại tử xương cánh tay trên. Khớp hông: khi bị hoại tử vô mạch ở hông, bệnh nhân có thể bị mất chức năng khớp xương, xương vỡ nhỏ từ bên trong, sụp đổ và gây nên tàn tật. Khớp háng. Ngoài đau ở vùng khớp hông, cơn đau cũng có thể lan vào háng hoặc đi xuống đùi đến khu vực đầu gối. Các khớp khác bị ảnh hưởng do hoại tử vô mạch bao gồm: Mắt cá chân. Bàn chân. Bàn tay. Hàm. Cột sống. Cổ tay. Một số người lại bị hoại tử vô mạch song phương: bị ảnh hưởng cả hai hông hoặc ở cả hai đầu gối. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột gây ra bởi chấn thương tai nạn hoặc vận động. Trong trường hợp khác, đau và cứng khớp có thể diễn tiến thành bệnh trong vài tháng. Một số người bị vô mạch hoại tử có thể không trải nghiệm đầy đủ các triệu triệu chứng. Cả nam giới và nữ giới đều là đối tượng có thể mắc bệnh hoại tử vô mạch, tuy nhiên bệnh thường được phát hiện nhiều hơn ở nam giới có thể do cách thức sinh hoạt của đối tượng này. Độ tuổi mắc bệnh phổ biến thường từ 30 đến 50 tuổi. Mọi người có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của hoại tử vô mạch là: Sử dụng corticosteroid liều cao (như prednisone) trong thời gian dài: ví dụ như những người có bệnh mãn tính như lupus và viêm khớp dạng thấp có khả năng cao bị vô mạch hoại tử. Corticosteroid được cho là sẽ làm tăng lipid máu, giảm lượng máu nuôi xương gây hoại tử vô mạch. Sử dụng quá nhiều rượu: người uống rượu thường xuyên mỗi ngày trong vòng nhiều năm sẽ làm tích tụ mỡ trong mạch máu, hạn chế dòng chảy của máu tới xương. Càng sử dụng đồ uống có cồn nồng độ cao thì nguy cơ bị vô mạch hoại tử càng cao hơn. Sử dụng biphosphonates: Người dùng thuốc làm tăng mật độ xương kéo dài có thể gây biến chứng hoại tử xương hàm. Các yếu tố nguy cơ còn lại dễ gây hoại tử vô mạch bao gồm: Chấn thương: những chấn thương tai nạn hoặc thể thao gây trật hay gãy khớp có thể làm tổn thương mạch máu vùng lân cận và giảm nguồn cung cấp máu tới xương. Hậu quả của điều trị: các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị hoặc xạ trị có thể gây yếu xương. Ghép tạng: việc cấy ghép nội tạng, đặc biệt là ghép thận có thể làm tăng nguy cơ mắc vô mạch hoại tử. Lọc máu: quá trình để làm sạch máu khi suy thận. Như vậy, những người đang có các bệnh lý như: viêm tụy cấp, Lupus ban đỏ, bệnh tiểu đường, đái tháo đường, bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, Bệnh Gaucher, Bệnh Kienbock. Bệnh Legg-calve-Perthes, HIV/AIDS...cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc hoại tử vô mạch. Để phòng ngừa bệnh và cải thiện sức khỏe, mọi người cần: Giảm uống rượu bia, hấp thụ các chất có cồn. Duy trì mức cholesterol trong máu thấp: những phân tử cholesterol nhỏ li ti là chất thường gây tắc mạch máu. Cẩn thận việc sử dụng steroid: chỉ sử dụng steroid theo chỉ định của bác sĩ. Để chuẩn đoán bệnh vô mạch hoại tử, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ ấn xung quanh khớp của người khám để tìm những chỗ căng đau và thử xoay khớp xương về nhiều hướng để đánh giá sự hoạt động của khớp xương. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra để xác định bao nhiêu xương bị ảnh hưởng và bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nào: X-quang: chỉ có thể phát hiện những thay đổi của xương ở giai đoạn muộn của bệnh. Ở giai đoạn sớm, X-quang thường cho kết quả bình thường. Chụp cộng hưởng từ (MRI) và CT: MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc nội bộ, giúp chỉ ra những thay đổi của xương ở giai đoạn sớm hơn phương pháp chụp X-quang. Xạ hình xương (Chiếu xương): là phương pháp tiêm lượng nhỏ chất phóng xạ vào tĩnh mạch của người bệnh. Khi tiêm vào mô xương bị tổn thương hoặc đang lành lặn, chất phóng xạ này sẽ hiển thị thành đốm sáng trên phim xạ hình. Nhiều rối loạn có thể gây ra đau khớp. Việc kiểm tra qua hình ảnh có thể giúp xác định chẩn đoán và đưa ra cách điều trị thích hợp. Mục tiêu điều trị hoại tử vô mạch là để ngăn chặn việc tiếp tục mất xương. Ở giai đoạn đầu của bệnh, các bác sĩ thường đưa ra các phương pháp điều trị phi phẫu thuật, giúp bệnh nhân giảm các cơn đau trong khoản thời gian ngắn. Các phương pháp đó bao gồm: Điều trị nội khoa Sử dụng thuốc: các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen (Advil, Motrin, những loại khác) có thể được chỉ định để giảm đau và sưng. Đối với những trường hợp bị vô mạch hoại tử do khối máu đông làm tắc nghẽn đường lưu thông của máu, bác sĩ có thể kê toa thêm loại thuốc làm loãng máu. Hạn chế hoạt động các khớp: để làm chậm các tổn thương từ đó giúp cho xương có thời gian hồi phục, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân sử dụng nạng trong vài tháng và hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến các khớp xương. Việc nghỉ ngơi, hạn chế cử động khớp kết hợp với việc sử dụng thuốc, phương pháp điều trị này có thể giúp bạn hồi phục và tránh việc phải phẫu thuật. Bài tập vật lý trị liệu: một số bài tập nhẹ nhàng có thể giúp duy trì hoặc cải thiện phạm vi chuyển động trong khớp, giúp nâng cao tầm hoạt động của khớp xương. Kích thích điện: các nghiên cứu đã cho thấy phương pháp kích thích điện có thể giúp thúc đẩy khả năng phát triển của xương. Dòng điện có thể khuyến khích cơ thể phát triển xương mới thay thế các khu vực bị hư hỏng do hoại tử vô mạch. Khi diễn tiến của bệnh trở nên phức tạp hơn, bệnh nhân thường cần phải phẫu thuật để có thể chữa trị hoàn toàn. Hiện nay có 4 loại phẫu thuật phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh vô mạch hoại tử bao gồm: Giải nén xương (giải tỏa chèn ép xương). thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần của các lớp bên trong của xương để làm giảm áp lực trong xương, giảm đau, tăng thêm không gian cho phép xương hình thành các mạch máu mới và kích thích sản xuất các xương mới. Cấy ghép xương: lấy xương khỏe mạnh từ một phần khác của cơ thể và cấy ghép vào khu vực bị ảnh hưởng do hoại tử vô mạch. Đôi khi điều này được thực hiện kết hợp với giải nén. Định hình lại xương (mở xương). căn chỉnh, uốn nắn lại xương để giảm áp lực trên các khu vực bị ảnh hưởng bởi vô mạch hoại tử. Thay thế. Nếu xương bị bệnh đã hoại tử hoặc các phương pháp điều trị khác không khả quan, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật thay khớp tự nhiên sang khớp nhân tạo. Phương pháp này đòi hỏi vài tháng phục hồi, bao gồm cả thời gian học tập để sử dụng khớp mới. Tổng quan bệnh Hoại tử vô mạch
Nguyên nhân bệnh Hoại tử vô mạch
Triệu chứng bệnh Hoại tử vô mạch
Đối tượng nguy cơ bệnh Hoại tử vô mạch
Phòng ngừa bệnh Hoại tử vô mạch
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hoại tử vô mạch
Các biện pháp điều trị bệnh Hoại tử vô mạch