Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở ngực, đi lên 2 bên cổ (gồm động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải) và đưa nhánh vào não. Chức năng của động mạch cảnh là đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng não. Động mạch cảnh bị hẹp hoặc tắc nghẽn được gọi là bệnh động mạch cảnh hoặc hẹp động mạch cảnh. Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi mảng xơ vữa (hình thành từ cholesterol, calcium, và mô xơ) phát triển dày lên từ thành mạch, làm giảm lưu lượng dòng máu tới não. Mảng xơ vữa có thể gây huyết khối, tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển làm tắc mạch máu não. Vì vậy, bệnh hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân gây nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua. Bệnh động mạch cảnh gây ra bởi sự tích tụ các mảng bám trong động mạch làm giảm lượng máu cung cấp cho não. Các mảng bám được hình thành bởi cholesterol, canxi, mô sợi và các mảnh vụn tế bào. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây hẹp động mạch cảnh như: Phình mạch. Viêm động mạch. Bóc tách động mạch. Chứng loạn sản của sợi cơ (fibromuscular dysplasia). Tổn thương mô sau xạ trị (hoại tử do bức xạ). Sự co thắt của các mạch máu. Hầu hết người bị bệnh hẹp động mạch cảnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi mức độ hẹp của động mạch trở nên trầm trọng hơn. Số khác có một số triệu chứng điển hình của thiếu máu não thoáng qua như sau: Yếu, tê hoặc liệt chân, tay; không kiểm soát được vận động của tay, chân. Mờ hoặc mù một mắt trong vài giây, vài phút hoặc vài giờ. Khó nói hoặc không nói được. Lú lẫn. Khó nuốt. Có bệnh nhân chỉ bị một triệu chứng, số khác bị nhiều triệu chứng cùng lúc. Nếu bệnh nhân tự phục hồi hoàn toàn trước 24 giờ thì tình trạng này được gọi là thiếu máu não thoáng qua. Còn nếu tình trạng này tồn tại hơn 24 giờ và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm thì được gọi là tai biến mạch máu não. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh hẹp động mạch cảnh. Trong đó, có những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đó là: Người cao tuổi: tỷ lệ mắc bệnh động mạch cảnh cao hơn khi tuổi tác tăng lên. Người béo phì, uống nhiều rượu, bia: có nguy cơ cao tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và dẫn tới hẹp động mạch cảnh. Người hút thuốc lá nhiều: nicotin trong khói thuốc gây kích ứng lớp lót bên trong động mạch, làm tăng nhịp tim, cao huyết áp, dễ gây bệnh động mạch cảnh. Người mắc bệnh tiểu đường: bệnh đái tháo đường làm giảm khả năng tiêu thụ chất béo, khiến bệnh nhân có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và hẹp động mạch cảnh. Người bệnh tăng huyết áp: áp lực quá lớn trên thành động mạch làm suy yếu động mạch, khiến chúng dễ bị tổn thương, bị hẹp. Bệnh nhân mỡ máu cao: mức cholesterol lipoprotein thấp và triglyceride cao trong máu làm tích tụ mảng bám trong động mạch, gây hẹp động mạch cảnh. Tiền sử gia đình: nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh cao hơn nếu trong gia đình có người bị xơ vữa động mạch hoặc mắc bệnh mạch vành. Người ít vận động, tập thể dục. Để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh động mạch cảnh, bệnh nhân cần: Không hút thuốc. Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Hạn chế cholesterol và chất béo trong chế độ ăn, tốt nhất là không ăn các thực phẩm chế biến sẵn. Tăng cường ăn rau, trái cây và các loại hạt. Tỏi, dâu, táo, hành, nước ép nho, trà xanh,... là các loại thực phẩm có thể làm giảm mức cholesterol trong máu và giảm tình trạng đông máu hiệu quả. Ăn ít muối. Luyện tập thể dục thường xuyên để cải thiện sự dẻo dai của hệ thống tim và mạch máu, có thể đảo ngược quá trình tắc nghẽn động mạch, giúp tim khỏe hơn và giảm huyết áp Hạn chế uống rượu bia. Thư giãn, thả lỏng bằng những bài tập thở sâu, ngồi thiền hay yoga để giảm căng thẳng, mệt mỏi. Kiểm soát các bệnh mạn tính, điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao,... Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc hoặc ngừng thuốc. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý mới xuất hiện. Khám lâm sàng Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên bệnh sử và đo huyết áp, sử dụng ống nghe để phát hiện những âm thanh bất thường từ động mạch cảnh. Khám cận lâm sàng Xét nghiệm nồng độ chất béo (cholesterol, triglycerides) và đường huyết lúc đói. Siêu âm động mạch cảnh để đánh giá mức độ hẹp lòng động mạch cảnh. Chụp động mạch cảnh: chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA), chụp CT đa lớp cắt (MSCT) để đánh giá toàn bộ hệ thống động mạch trong và ngoài sọ. Cuối cùng là chụp mạch số hóa xóa nền DSA để can thiệp điều trị. Việc điều trị hẹp động mạch cảnh phụ thuộc vào mức độ hẹp của động mạch cảnh, các triệu chứng đi kèm và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị có thể chia thành 2 nhóm: điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc đặt stent: Điều trị nội khoa Áp dụng trong giai đoạn sớm của bệnh: Ngừng hút thuốc, kiểm soát mức tăng mỡ máu và đường huyết để giảm nguy cơ hẹp động mạch cảnh. Sử dụng aspirin liều thấp (81 hoặc 325ml hằng ngày) có thể điều trị bệnh hẹp động mạch cảnh nhẹ, chưa có triệu chứng nghiêm trọng. Phẫu thuật Nếu mức độ hẹp động mạch cảnh từ 70 - 99%, đã xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (CEA) nhằm loại bỏ các mảng bám trên động mạch. Tùy thuộc từng tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể gây tê hoặc gây mê cho bệnh nhân. Khi đã gây tê/gây mê xong, bác sĩ sẽ rạch da ở cổ, xẻ lòng động mạch cảnh và lấy đi mảng xơ vữa ở lớp trong động mạch. Đây là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, bệnh nhân có thể xuất viện sớm. Nong động mạch và đặt stent Là phương pháp xâm lấn tối thiểu, mới được phát triển gần đây.Phương pháp này được thực hiện qua gây tê. Để thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ dài (catheter) xuyên qua da, luồn vào trong động mạch đùi, đưa dần tới động mạch cảnh. Tiếp theo, bác sĩ chụp hình động mạch cảnh bằng cách bơm thuốc cản quang qua ống nhỏ này để nhìn thấy vị trí mảng bám làm hẹp động mạch cảnh. Sau đó, bác sĩ luồn một ống nhỏ khác để ép mảng bám vào thành động mạch rồi đặt một ống bằng lưới kim loại là stent vào lòng động mạch cảnh để giữ lòng mạch luôn mở. Nhờ đó, lưu thông dòng máu lên não được tái lập, giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua. Tuy nhiên, phương pháp can thiệp nội mạch có thể gây ra một số biến chứng như tăng tái tưới máu não gây phù não, xuất huyết não hoặc nhồi máu não do mảng xơ vữa, cục máu đông di chuyển trong quá trình can thiệp. Tổng quan bệnh Hẹp động mạch cảnh
Nguyên nhân bệnh Hẹp động mạch cảnh
Triệu chứng bệnh Hẹp động mạch cảnh
Đối tượng nguy cơ bệnh Hẹp động mạch cảnh
Phòng ngừa bệnh Hẹp động mạch cảnh
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hẹp động mạch cảnh
Các biện pháp điều trị bệnh Hẹp động mạch cảnh